Trăn trở đối với các đề xuất sửa đổi mang tầm quốc gia
Trước thềm Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm rộng rãi. Tại Đắk Lắk, các sở, ban, ngành đã chủ động nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, phản ánh sinh động thực tiễn địa phương và những trăn trở đối với các đề xuất sửa đổi mang tầm quốc gia.
Tranh luận “nóng” quanh án tử hình và tội phạm ma túy
Trong số 5 dự án luật đang được lấy ý kiến, dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự nổi bật với nhiều đề xuất đột phá, điển hình là việc bổ sung hình phạt “tù chung thân không xét giảm án”. TAND tỉnh đánh giá, đây là một giải pháp hợp lý nhằm mở rộng khung hình phạt, cung cấp thêm lựa chọn cho thẩm phán khi xét xử, đồng thời góp phần giảm thiểu việc áp dụng hình phạt tử hình, thể hiện xu hướng nhân đạo hóa hình phạt đang được quốc tế chú trọng.
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao đổi thông tin lấy ý kiến góp ý dự án luật. |
Tuy nhiên, chính đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh trong dự thảo lại gây nhiều ý kiến băn khoăn và tranh luận từ các cơ quan chức năng của tỉnh. Đại diện Sở Tư pháp và TAND tỉnh đều kiến nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt đối với các tội danh đặc biệt nghiêm trọng như “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, “Tham ô tài sản”, và “Nhận hối lộ”.
Lý giải cho điều này, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phòng, chống ma túy và tham nhũng, việc xóa bỏ án tử ở các tội danh nghiêm trọng này có thể làm giảm sức răn đe, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào công cuộc phòng, chống tội phạm. Thực tiễn xử lý án tham nhũng cũng cho thấy, hình phạt tử hình hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc buộc các bị cáo hợp tác, khai báo để thu hồi tài sản thất thoát.
Một vấn đề “nóng” khác được dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề cập là việc bổ sung tội danh Sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 242). Cả TAND tỉnh và Viện KSND tỉnh đều ủng hộ chủ trương này. Thực trạng nghiện ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho an ninh trật tự và an sinh xã hội, đòi hỏi phải có những chế tài mạnh mẽ hơn so với mức xử phạt vi phạm hành chính hiện hành. Việc hình sự hóa hành vi này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức răn đe cần thiết.
Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh đề xuất nới rộng khung hình phạt tù ở khoản 1 từ “2 năm đến 3 năm” thành “6 tháng đến 3 năm” để tăng tính linh hoạt, phù hợp hơn với mức độ nghiêm trọng của hành vi và điều kiện cụ thể của từng vụ việc.
![]() |
Đại diện TAND tỉnh tham gia thảo luận tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình tại Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội XV. |
Liên quan đến các tội xâm phạm động vật hoang dã được đề cập trong dự án luật này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị giảm định mức giá trị tối thiểu để xử lý hình sự đối với bộ phận, sản phẩm của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (từ 100 triệu đồng xuống 50 triệu đồng - tại điểm g khoản 1 Điều 244 dự thảo); làm rõ cách tính giá trị tang vật (theo con hay theo giá trị tiền) để tránh mâu thuẫn. Đồng thời, kiến nghị giữ nguyên định mức giá trị vi phạm tại Điều 234 như luật hiện hành.
Tháo gỡ bất cập hệ thống điều tra, củng cố nền tảng pháp lý thời đại số
Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) tiếp tục là tâm điểm thảo luận, đặc biệt là đề xuất bỏ Cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao. TAND tỉnh đồng tình với đề xuất này, cho rằng Việc giao cả chức năng điều tra và kiểm sát cho Viện KSND thực hiện có thể ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình tố tụng, và không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Chuyển thẩm quyền điều tra các tội phạm về hoạt động tư pháp, tham nhũng xảy ra trong ngành tư pháp cho Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an được xem là hợp lý và cần thiết.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trở thành yêu cầu cấp bách. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cảnh báo, nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh, quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dân có thể bị xâm phạm nghiêm trọng trong quá trình lưu trữ, trao đổi, đặc biệt khi nhiều nền tảng công nghệ chưa có khả năng bảo mật cao. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn như Sở Tư pháp, TAND tỉnh cũng đồng loạt kiến nghị cần làm rõ các khái niệm cốt lõi trong dự thảo như “dữ liệu cá nhân nhạy cảm”, “xử lý dữ liệu”, “bên kiểm soát dữ liệu”, “bên xử lý dữ liệu”. Sự mơ hồ trong khái niệm sẽ dẫn đến khó khăn trong triển khai, gây lúng túng cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp và người dân.
![]() |
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh góp ý vào dự án luật. |
Đối với dự án Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, việc tách bạch hai lĩnh vực này ra khỏi Luật Tương trợ tư pháp 2007 là hướng đi đúng. Tuy nhiên, Sở Tư pháp tỉnh lưu ý rằng cách thể hiện nguyên tắc “có đi có lại” (Điều 5 của cả hai dự luật) còn chưa rõ ràng, dễ gây hiểu lầm trong áp dụng - liệu phải thỏa mãn “tất cả” hay chỉ “một trong” các điều kiện nêu ra.
Một vấn đề mang tính kỹ thuật nhưng không kém phần quan trọng cũng được Sở Tư pháp chỉ ra là yêu cầu về việc cung cấp “bản chính hoặc bản sao có chứng thực” nội dung các điều luật liên quan trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Đây là một yêu cầu không phù hợp với thực tế, bởi các văn bản quy phạm pháp luật được công khai rộng rãi, số lượng bản chính thường rất hạn chế và không thuộc đối tượng được chứng thực bản sao từ bản chính theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Có thể thấy, những ý kiến đóng góp từ Đắk Lắk không chỉ dừng lại ở câu chữ, kỹ thuật lập pháp mà còn đi sâu phân tích những vấn đề cốt lõi, phản ánh hơi thở của cuộc sống, những thách thức từ thực tiễn công tác và yêu cầu của sự phát triển.
Đây chính là cơ sở để các cơ quan Trung ương tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, đảm bảo khi được Quốc hội thông qua, các luật sẽ thực sự phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, trật tự, dân chủ và phát triển bền vững.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc