Nguồn động viên với người lao động
Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 là chính sách lớn đối với công chức, viên chức, người lao động. Điều này được đón nhận với sự háo hức, vui mừng. Phóng viên Báo Đắk Lắk ghi lại ý kiến của những người được thụ hưởng chính sách này.
♦ Cô Đinh Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột):
Cải thiện lương giúp đội ngũ giáo viên yên tâm giảng dạy
Dù mức lương cơ sở chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhưng việc tăng lương lần này có thể nói là niềm vui rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Mức lương cơ sở tăng đồng nghĩa với việc tiền lương và các khoản phụ cấp hằng tháng cũng được cải thiện, giúp giáo viên có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên trên thực tế, để sống được với thu nhập, mức lương hiện tại, nhiều giáo viên phải thắt chặt chi tiêu, thậm chí phải bươn chải làm thêm các công việc khác. Tôi mong rằng thời gian tới, Nhà nước sẽ có những chính sách bảo đảm đời sống người lao động nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các đơn vị công lập và tư nhân. Đây cũng là cách để đội ngũ giáo viên toàn tâm toàn ý gắn bó với nghề, tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục.
♦ Bà Lê Thị Hoa, tổ trưởng tổ dân phố 14, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột:
Thêm phụ cấp để gắn bó với công tác
Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (TDP) phải đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn, từ việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác hòa giải, thu ngân sách… Nhất là khi không còn các chức danh như tổ phó TDP, các tổ liên gia hỗ trợ, san sẻ công việc thì hầu như mọi việc đều do tổ trưởng TDP đảm đương nên rất vất vả và áp lực. Đối với TDP 14 có 650 hộ dân (3.000 khẩu), với 13 tổ liên gia; người dân chủ yếu làm nông và buôn bán nên thường xuyên vắng nhà, cũng ít cầm điện thoại nên muốn gặp trực tiếp họ khi có việc phải tranh thủ vào buổi tối, trong khi đó, địa bàn thì rộng nên việc đi lại rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Do đó, việc tăng phụ cấp cho thôn trưởng, tổ trưởng TDP từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng theo mức lương cơ sở đã cho thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, TDP. Tuy số tiền phụ cấp tăng thêm không nhiều, nhưng giúp chúng tôi cũng có thêm động lực để gắn bó hơn với công tác tại địa phương và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
♦ Ông Y Phing Niê, cán bộ văn hóa xã Hòa Phong (huyện Krông Bông):
Nguồn động viên, củng cố tinh thần cho lực lượng lao động
Từ ngày 1/7/2023, mức lương được điều chỉnh tăng, tuy không nhiều nhưng đã phần nào hỗ trợ thêm kinh phí trang trải cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Quan trọng hơn là động viên tinh thần cho lực lượng lao động khối nhà nước. Để đảm bảo cuộc sống theo giá cả thị trường hiện nay, tôi mong rằng thời gian tới, Nhà nước sẽ thường xuyên điều chỉnh mức lương cơ sở và có những chính sách đảm bảo đời sống người lao động nói chung và đội ngũ cán bộ nói riêng, rút ngắn khoảng cách giữa “mức lương” và “giá cả thị trường”.
♦ Chị Cao Thị Lệ Thu, nhân viên y tế học đường Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng:
Tăng lương để sống được bằng tiền lương
Sau 8 năm công tác, mức lương hiện tại của tôi 4,1 triệu đồng/tháng. Với gia đình tôi, chồng làm nông nên không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng. Hiện tại, lương của tôi là nguồn thu nhập chính của cả gia đình, vừa để chi trả sinh hoạt phí, vừa nuôi hai con nhỏ. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng nên việc tăng lương cho nhân viên y tế là cần thiết, giúp họ cải thiện đời sống, yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với nghề. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế, để họ có thể sống được bằng tiền lương.
Lê Lan – Tuyết Mai (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc