Multimedia Đọc Báo in

Nam Lào ký sự (Bài 4)

08:44, 02/07/2023

Bài 4: Chạm mặt Khone Phapheng

Rời đảo Đon Det vào sáng sớm, lúc dòng sông Mekong vừa tỉnh ngủ, chúng tôi tiếp tục theo Quốc lộ 13 tìm về thác Khone Phapheng. Khone Phapheng không chỉ nổi tiếng ở Lào mà còn nổi tiếng cả khu vực Đông Nam Á, được ví như thác Niagara nổi tiếng thế giới nằm giữa biên giới hai nước Mỹ và Canada.

Khu du lịch mở cửa cho khách tham quan khá rộng rãi với những con đường lát đá đẹp, cây cối rủ bóng xanh mát. Chỉ tầm vài trăm mét, hiện ra trước mắt chúng tôi là một khúc sông Mekong trắng xóa bọt nước. Tạo hóa thật kỳ diệu, ngay giữa lòng sông đã khéo sắp đặt những ghềnh đá nhìn giống những hòn non bộ khổng lồ. Dòng Mekong hiền hòa đến đây bỗng dưng bị chặn lại, nước tung lên trời những làn hơi sương mỏng nhẹ. Tất cả mờ ảo như khói, như mây.

Mọi người dừng chân, ngắm thác, chụp ảnh và nghĩ rằng đây là điểm chính của thác Khone Phapheng, nhưng hóa ra không phải. Cứ men theo con đường lát đá dọc bờ sông, tầm vài trăm mét lại xuất hiện một điểm thác khác. Những điểm thác không giống nhau, nơi thì dòng sông thắt lại, nước từ độ cao cả chục mét đổ xuống ầm ào, chỗ thì ghềnh đá chia dòng nước ra thành năm nhánh thác nhỏ, nhìn xa như bàn tay nước xòe ra bấu vào ghềnh đá. Trừ ghềnh thác ra, những đoạn sông còn lại nước xanh ngắt như màu mực.

Một đoạn thác Khone Phapheng.

Thác Khone Phapheng kỳ vĩ bởi độ dài, nghe nói nếu đo chính xác phải xấp xỉ 20 km. Chỉ riêng đoạn ghềnh thác tôi đang ngắm cũng đã dài hơn chục cây số. Dừng chân ngắm thác tôi chợt nghĩ đến những ngọn thác ở Tây Nguyên như thác Đam Bri, thác Dray Nur, Dray Sap… Chúng cũng hùng vĩ, hoang sơ, chỉ tiếc một điều thủy điện mọc lên nhiều quá khiến nguồn nước vơi theo làm mất đi vẻ đẹp thiên tạo. Theo tài liệu thủy văn của Cục Quản lý tài nguyên nước (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), kết quả quan trắc dòng chảy trung bình của sông Sêrêpốk năm 2021 ở trạm Bản Đôn là 273 m3/s, ở Cầu 14 là 242 m3/s; trong khi đó lưu lượng nước trung bình của thác Khone Phapheng là 11.000 m3/s, tối đa trong mùa mưa lên đến 50.000 m3/s. Một so sánh nhỏ như thế để hình dung sức mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho Khone Phapheng.

Nhưng đó chưa phải là điều hay nhất mà tôi chứng kiến ở Khone Phapheng. Lần đầu tiên, đến đây tôi được chiêm ngưỡng “cây thiêng” của người Lào. Đã nghe nói từ lâu nhưng tôi bán tín bán nghi. Chuyện là, vùng Nam Lào có “cây thiêng” mọc ngược ngay ở thác Khone Phapheng, mọc ngược bởi rễ cây hướng lên trời còn lá mọc xuống phía dưới. Cây mọc ngược ngay giữa dòng thác hung dữ nhất, hằng ngày có hai đàn chim tuyền đen hoặc tuyền trắng thay nhau về đậu. Cây sống bao nhiêu năm không ai biết nhưng người dân Nam Lào rất đỗi tôn thờ, kính ngưỡng.

Hóa ra, đó là chuyện có thật. Ngay ở khu du lịch thác Khon Phapheng hiện lưu giữ một phần gốc cây thiêng mà người Lào gọi là Manikhoth, gốc cây để trong hòm kính trong suốt bốn mặt. Phía trước là ban thờ để người dân Lào và du khách đến đốt nến, thắp hương và dâng hoa. Bên phải của ngôi đền thờ “cây thiêng” có tấm bảng giới thiệu bằng tiếng Anh, nội dung tạm dịch như sau: “Manikhoth là loài cây linh thiêng, duy nhất trên toàn thế giới gắn với thác Khone Phapheng. Manikhoth có dáng vẻ độc đáo, “gốc hướng lên trời, ngọn hướng xuống đất”, cành hướng về đông, hướng bắc, hướng tây và phía nam. Gần 2000 năm dòng Mekong chảy, va vào đá và rễ Manikhoth liên tục nhưng Manikhoth vẫn trụ vững ở giữa sông.

Du khách ngắm gốc cây Manikhoth.

Người dân Lào có niềm tin mãnh liệt vào Manikhoth, đặc biệt là những cư dân Si Phan Đon đang sinh sống tại huyện Khong. Người Lào tin rằng Manikhoth là loại cây linh thiêng có khả năng ban sự sống và cái chết… Vào mùa Phật đản, từ tháng 10 đến tháng 3, luôn có một đàn cò trắng bay quanh Manikhoth, thường chúng bay ba vòng trước khi đáp xuống cành cây Manikhoth và các cây khác gần đó. Đây là biểu hiện cho việc cầu nguyện và tỏ lòng thành kính với Đức Phật…

Người ta nói rằng chỉ những người có ấn chứng cao nhất mới có thể nhìn thấy Manikhoth. Manikhoth có 3 loại quả, nếu ăn vào sẽ cho tác dụng khác nhau. Ví như, một người ăn trái cây hướng bắc, anh ta sẽ trở thành một con chim. Ai ăn trái cây hướng nam sẽ trở thành khỉ và nếu ăn trái cây hướng đông người đó sẽ trẻ mãi không già và trông giống như một thiên thần từ trên trời rơi xuống.

Manikhoth chết vào nửa đêm ngày 19 tháng 3 năm 2012 mà không rõ lý do. Người ta không thể đưa Manikhoth lên khỏi mặt nước do dòng chảy quá mạnh của sông Mekong. Cho đến ngày 13 tháng 1 năm 2013, Manikhoth đã được đưa lên thành công và đặt tại Bảo tàng thác Khone Phapheng. Vào tháng Giêng hằng năm, có lễ hội Manikhoth, người dân dâng những bông hoa màu trắng để cầu nguyện và tỏ lòng thành kính”.

Nghe anh bạn đồng hành người Lào BuonThong Phousavat kể, ngày người ta dùng trực thăng đưa Manikhoth vào bờ, rất đông người dân vùng Nam Lào, có cả các nhà sư đến túc trực, cầu nguyện nhiều ngày đêm. Quả là câu chuyện rất đỗi huyền hoặc. Tôi là người đi nhiều, chứng kiến nhiều nghi thức tang lễ cho người, thậm chí cho vật nuôi (chó, mèo…) nhưng chưa bao giờ thấy người ta thực hiện tang lễ cho một cái cây! Nhưng rồi nghĩ lại, nhiều nơi ở Việt Nam có tục lệ, khi người thân mất, gia đình buộc vào các thân cây trong vườn nhà những mảnh vải trắng, với ý nghĩa là cây cối để tang cho người. Vậy hà cớ gì con người lại không thể để tang cho cây.

Trở lại với thác Khone Phapheng. Dù cây Manikhoth độc nhất vô nhị không còn nhưng giữa dòng thác, trên những ghềnh đá vẫn có rất nhiều cây cổ thụ. Chúng tỏa bóng xanh mát, gốc rễ sần sùi bám chặt vào các gờ đá. Nhìn chúng, tôi nghĩ đến tính cách người Lào, họ sống hòa hợp với thiên nhiên dù thiên nhiên ưu đãi hay khắc nghiệt. Tôi cũng chợt nhớ ra, chiều qua ở đảo Đon Det, khi đi dạo trong khu rừng vắng, vô tình chứng kiến cảnh hỏa táng một người dân sống trên đảo vừa mất. Những người bạn Lào mới quen kể rằng, sau khi hỏa táng, một ít tro cốt của người mất được đưa vào chùa, còn lại sẽ hòa vào đất đai, sông nước. Họ cho rằng, đó là cách mà con người trả nợ thiên nhiên đã từng che chở, cưu mang.

Xứ sở Nam Lào đầy nắng và gió, không chỉ có đền đài huyền bí như Wat Phou, Wat Phusalao… mà còn có những danh thắng như thác Khon Phapheng. Một miền quê giàu có về di sản văn hóa, thiên nhiên và con người luôn ý thức về những gì họ đang sở hữu thì chí ít sẽ không bao giờ gặp phải những bất hạnh lớn giáng xuống đời sống, trên mảnh đất này.

Đón đọc bài 5: Mekong sấp ngửa

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.