Multimedia Đọc Báo in

Nam Lào ký sự (Bài 5)

08:33, 09/07/2023

Bài 5: Mekong sấp ngửa

Trong chuyến “ta ba lô” vùng Nam Lào lần này tôi đã có thêm nhiều ngày “gặp gỡ” Mekong. Trong những chuyến đi ngang dọc Thái Lan, Myanmar, Campuchia trước đây, tôi nhiều lần đến sông Mekong như một duyên nợ. Riêng ở Lào, tôi đã từng ngược lên phía bắc, ngắm nhìn cố đô Luang Prabang trong ráng chiều tĩnh mịch, trầm lặng buông xuống dòng Mekong, đã từng đến Viêng Chăn, một mình cảm nhận cái nắng hanh vàng dát ngọc trên từng con nước ngang qua thủ đô. Và giờ đây, ở Champasak của Nam Lào, tôi lại thao thức với Mekong bằng các chuyến ghe thuyền ra vào “vương quốc đảo” Si Phan Đon, bằng những “cuốc” xe máy thuê xuyên rừng trên các đảo lớn, nhỏ, bằng cả đôi chân leo lên ghềnh đá lởm khởm dốc đứng của thác Khone Phapheng.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc, chảy qua các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển Đông ở Việt Nam. Với gần 500 tỷ mét khối nước chảy mỗi năm, sông Mekong xếp vào top 10 những con sông có lưu lượng nước lớn nhất thế giới.

Một bến thuyền bên sông Mekong.

Mặc dù có xấp xỉ một nửa chiều dài nằm trên lãnh thổ Trung Quốc nhưng phần còn lại của sông Mekong vẫn đủ để nói lên sự kỳ vĩ đối với khu vực Đông Nam Á. Một khúc sông Mekong dài chừng 200 km là biên giới giữa hai nước Lào và Myanmar, rồi hàng trăm ki-lô-mét khác từ Viêng Chăn đến Champasak của Lào lại là biên giới giữa Lào và Thái Lan. Hay như vùng Nam Lào mà tôi đang đến, sông Mekong còn có cả ngọn nguồn gom góp từ Tây Nguyên (Việt Nam) và một vùng rộng lớn ở Campuchia. Sách địa lý chỉ rõ, hai phụ lưu cấp 2 quan trọng của dòng Mekong bắt nguồn từ Tây Nguyên là sông Sêrêpốk ở nam Tây Nguyên (người Campuchia gọi là Tonle Srepok) và sông Sê San ở bắc Tây Nguyên (người Campuchia gọi là Tonle San). Hai dòng sông này chảy từ đông sang tây, gặp nhau ở Stungtreng trên đất Campuchia rồi tiếp tục hợp lưu thêm sông Se Kong và hòa chung vào dòng Mekong trên đất Nam Lào. Lớn vậy nên trong ngôn ngữ Lào - Thái, Mekong có nghĩa là “sông Cái”, “sông Mẹ”. Sông Mekong chính là “vựa” thủy sản khổng lồ không chỉ cho Lào mà còn cả các quốc gia trong khu vực, như là Biển Hồ (Tonle Sap của Campuchia), là chín nhánh Cửu Long ở miền tây Nam Bộ của Việt Nam…

Nói Mekong sấp ngửa là nói đến hai mặt của một thực thể địa lý góp phần làm nên diện mạo văn hóa và đời sống cư dân bản địa gắn bó với nó. Sấp ngửa là bởi một dòng sông lớn như Mekong luôn nối kết những nền văn hóa theo trục dọc nhưng lại thường phân rẽ địa giới, cương vực theo chiều ngang ngăn cách đôi bờ. Nhưng nói gì thì nói, Mekong có lực hấp dẫn mạnh mẽ đối với những nhà thám hiểm từ xa xôi đến. Lịch sử ghi nhận những khám phá của người châu Âu tìm đến khu vực Đông Nam Á cũng chính nhờ vào sông Mekong bấy giờ như là trục thủy lộ quan trọng. Tôi chợt nhớ ra những mốc lịch sử tròn trịa gieo đúng vào năm 2023. Tấm bản đồ sớm nhất của người châu Âu vẽ lại sông Mekong, dù chỉ một đoạn ngắn ở vùng đồng bằng châu thổ có cách đây tròn 460 năm (năm 1563). Người Pháp có những trang tài liệu đặc biệt chú ý đến Mekong khi họ bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa Đông Dương vào năm 1863, cách đây 160 năm. Và cuộc thám hiểm sông Mekong chi tiết nhất, hệ thống nhất do hai nhà thám hiểm người Pháp Ernest Doudart de Lagreé và Francis Garnier kéo dài trong 3 năm và kết thúc vào năm 1868, cách đây cũng tròn 155 năm. Và cũng chính người Pháp đã mở rộng quyền kiểm soát dòng Mekong đến tận Lào vào năm 1893, tiến tới việc thành lập Liên bang Đông Dương trong quá trình xâm lược và khai thác thuộc địa vào những năm đầu thế kỷ 20.

Bình minh trên sông Mekong.

Chiều hôm tôi đến Si Phan Đon, tấp nập trên sông là những thuyền chài, những ca nô chở du khách. Sông Mekong đoạn này rộng ra bất ngờ, chiều ngang vài ba cây số, nhìn hút tầm mắt. Sóng vỗ ì oạp mạn thuyền như sóng biển. Dù là sông nhưng bởi mặt nước rộng nên khi gió thổi mạnh, dòng sông tạo sóng không khác đại dương.

Ngày tôi đến mục sở thị thác Khone Phapheng, thác nước lớn nhất trên chiều dài hàng nghìn cây số của sông Mekong, lòng chợt nghĩ về sức mạnh của Mẹ Thiên nhiên. Con người dù vĩ đại đến bao nhiêu cũng không vượt qua nổi tường thành tạo hóa dựng nên. Nghe nói, ngày xưa người Pháp từng mơ ước chinh phục Mekong bằng đường thủy, từ đó liên kết và khống chế khu vực Đông Dương. Nhưng đến đây, gặp thác Khone Phapheng họ đành ngậm ngùi từ bỏ ý định.

Tôi cũng nhớ đến cảm giác choáng ngợp khi lần đầu xem phim tài liệu nhiều tập “Mekong ký sự” do Hãng phim truyền hình TFS thực hiện và phát sóng lần đầu vào năm 2006, phim do NSND Phạm Khắc làm Tổng đạo diễn. Lần đầu tiên, trong 90 tập phim, sông Mekong hiện ra đầy đủ bằng hình ảnh, chân thực từng chi tiết và trải rộng trên phạm vi 6 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Từ thượng nguồn len lỏi ở Vân Nam (Trung Quốc), dằng dặc đi qua bao vùng đất, đời người, sông Mekong vỡ òa khúc hoan ca ở hai nhánh lớn sông Tiền và sông Hậu của đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam).

Xen kẽ những lần gặp gỡ rồi lưu luyến chia tay với dòng Mekong, tôi có những chuyến đi về với những dòng sông chảy trên đất Việt, để khi xa lòng còn mang nặng. Như  chiều nay, bên dòng Mekong của xứ Nam Lào, lòng bỗng dậy lên thương nhớ những dòng sông trải dài từ bắc vô nam, từ đồng bằng lên đến cao nguyên. Này đây, dòng Nho Quế như dải lụa nằm ở vùng cao biên giới phía bắc, sông Mã gầm lên khúc độc hành trong câu thơ Quang Dũng, sông Bến Hải một thời chia đôi đất nước, hay như sông Hương mà nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thảng thốt “dòng sông ai đã đặt tên”, sông Thu Bồn dằng dặc niềm thương xứ Quảng, và đâu đó nữa như sông Sêrêpốk ghi dấu chuyện tình ngàn năm chưa phai, đẹp như sử thi trên vùng đất cao nguyên…

Đón đọc bài cuối: Giã biệt Champasak

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.