Multimedia Đọc Báo in

Xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ xăng, dầu: Hiểu đúng để thực hiện nghiêm

08:34, 27/05/2024

Để chống thất thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xăng, dầu, ngành thuế đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ việc phát hành hóa đơn và quản lý doanh thu, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng, dầu cần có sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM THANH LONG - Phó Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk chung quanh nội dung này.

Ông Phạm Thanh Long.

♦ Thưa ông, xin ông cho biết công tác triển khai việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện như thế nào?

Tính đến thời điểm ngày 31/3/2024, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk có 279 doanh nghiệp (DN) và chi nhánh kinh doanh xăng, dầu đang hoạt động. Trong đó có 7 DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối đã kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường; 272 DN bán buôn và bán lẻ. Tổng số thu thuế và phí quý I/2024 là 151 tỷ đồng (bằng 136% so với cùng kỳ năm 2023, tăng số tuyệt đối 40 tỷ đồng), trong đó thu thuế bảo vệ môi trường là 131 tỷ đồng (bằng 142% so với cùng kỳ, tăng số tuyệt đối là 39 tỷ đồng).

Về triển khai hóa đơn điện tử, đến ngày 31/3/2024, có 277 DN với 413 cửa hàng, tương ứng 1.422 cột bơm đã áp dụng phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng (đạt 100% chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao). Trong đó, DN áp dụng giải pháp xuất hóa đơn trực tiếp là 127 cửa hàng (chiếm 31%/tổng số cửa hàng); DN áp dụng giải pháp xuất hóa đơn gián tiếp là 286 cửa hàng (chiếm 69%/tổng số cửa hàng). Để ghi nhận thành tích đột xuất và xuất sắc trong công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu, ngày 8/4/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định tặng Bằng khen cho 4 cá nhân và 7 tập thể thuộc Tổng cục Thuế, trong đó có Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk.

♦ 100% DN kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã được triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, tuy nhiên trên thực tế, người dân vẫn khá lúng túng với quy định này. Ông có thể nói rõ hơn để họ dễ thực hiện trong thực tế không?

Như tôi đã nói ở trên, toàn tỉnh có 413 cửa hàng áp dụng phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Mặc dù có 127 đơn vị áp dụng giải pháp xuất hóa đơn trực tiếp và 286 đơn vị áp dụng giải pháp xuất hóa đơn gián tiếp, tuy nhiên việc xuất (in) hóa đơn giao cho khách hàng hay không phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của người mua hàng.

Bất kỳ khách hàng nào có nhu cầu được xuất hóa đơn thì các cửa hàng bán xăng, dầu phải đáp ứng yêu cầu này. Trường hợp người mua hàng không yêu cầu xuất hóa đơn thì giao dịch này hệ thống sẽ tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu về ứng dụng Quản lý hóa đơn của ngành thuế (Tổng cục Thuế). Hằng ngày, cơ quan thuế sẽ phân công công chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát số liệu của người nộp thuế (số lượng hóa đơn xuất, doanh thu, xuất cho DN hay xuất bán lẻ…) và cập nhập kết quả vào ứng dụng Quản lý hóa đơn điện tử.

Trường hợp nhận thấy người nộp thuế có rủi ro trong việc sử dụng hóa đơn điện tử, xuất không đúng thì kịp thời ngăn chặn và xử lý. Do đó, người dân có thể yên tâm thực hiện các giao dịch và sử dụng hóa đơn điện tử khi mua bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ ngành thuế hướng dẫn đại diện một đơn vị kinh doanh xăng, dầu về xuất hóa đơn điện tử.

♦ Như vậy, việc quản lý thuế trong kinh doanh xăng, dầu qua hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đã rất chặt chẽ phải không, thưa ông?

Mặc dù đã triển khai đến 100% DN và quy trình áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đã khá chặt chẽ, tuy nhiên kiểm soát, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng, dầu vẫn còn những khó khăn nhất định. Do đó, để tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng, dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng, dầu... đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu ngân sách nhà nước, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật thuế và hóa đơn của các DN; theo dõi và nắm chắc tình hình hoạt động kinh doanh của DN để đánh giá mức độ rủi ro về thuế nhằm kiểm tra, giám sát.

Phân công, giao nhiệm vụ cho công chức quản lý DN thường xuyên giám sát và vào ứng dụng hóa đơn điện tử để theo dõi, kiểm tra việc xuất hóa đơn theo từng lần bán của các DN kinh doanh xăng, dầu. Trường hợp DN có dấu hiệu lập hóa đơn không đúng quy định (số lượng hóa đơn, khách hàng, doanh thu, số tiền lớn) không tương ứng với quy mô hoạt động kinh doanh của DN thì tiến hành làm việc tại DN để chốt số đồng hồ trên cột bơm xăng, dầu hằng ngày nhằm kiểm soát số lượng thực tế bán ra và số lượng đã xuất hóa đơn.

Cùng với đó, cơ quan thuế sẽ chủ động phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan khác có liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05/3/2024 của Chính phủ và các chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật nếu DN xuất hóa đơn không đúng quy định, đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương xem xét yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

♦ Xin cảm ơn ông!

Duy Nam (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.