Multimedia Đọc Báo in

Đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

08:37, 10/07/2024

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 đã đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan của thực tiễn trong công tác xây dựng, triển khai lực lượng bảo vệ ANTT địa bàn. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng LÊ VINH QUY, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chung quanh vấn đề này.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy.

♦ Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đặc biệt đối với địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, quốc phòng - an ninh như tỉnh Đắk Lắk?

Tỉnh Đắk Lắk với vị trí địa lí là trung tâm vùng Tây Nguyên luôn là mục tiêu trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động, FULRO lưu vong tập trung tiến hành các hoạt động chống phá, gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có 5.540 người là công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó đội dân phòng (đã trừ số kiêm nhiệm hai chức danh). Các lực lượng này đã hỗ trợ tích cực cho công an chính quy trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, chức năng, vị trí, vai trò, nhiệm vụ và các nội dung khác liên quan đến chế độ, chính sách được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, chưa đồng bộ, thống nhất.

Vì vậy, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, ngày 28/11/2023 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần kiện toàn các lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn. Từ đó, tạo điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động linh hoạt, chủ động hơn, khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

♦ Tỉnh và các địa phương đã có sự chuẩn bị như thế nào về lực lượng, nguồn lực, điều kiện bảo đảm xây dựng và vận hành hiệu quả hoạt động của lực lượng này tại cơ sở trên địa bàn tỉnh?

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Đắk Lắk là một trong 12 tỉnh của cả nước được chọn làm điểm tổ chức Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở vào sáng 1/7/2024. Để lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sớm đi vào hoạt động hiệu quả, sau buổi lễ, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh; chỉ đạo công an cấp huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu cho UBND cấp huyện triển khai công tác rà soát, tuyển chọn, sắp xếp, bố trí về con người, điều kiện cơ sở vật chất để lực lượng này sớm đi vào hoạt động, trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT an toàn xã hội tại địa phương.

Công an tỉnh cũng khẩn trương tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT và chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 13 vào ngày 20/6/2024.

♦ Vậy nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh?

Việc sớm ban hành nghị quyết trước thời điểm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, khẩn trương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, tổ chức hoạt động, quản lý, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ANTT, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về ANTT, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở.

Nghị quyết đã cụ thể hóa các tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT gắn với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Trung bình mỗi thôn, buôn, tổ dân phố có một tổ, mỗi tổ từ 3 - 4 người tùy theo quy mô dân số. Đối với các thôn, buôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ANTT an toàn xã hội được bố trí tối đa từ 5 - 6 thành viên.

Nghị quyết cũng đã cụ thể hóa các mục chi, nội dung chi mà luật và nghị định quy định chi tiết. Theo đó, tổ trưởng được hưởng mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng; tổ phó 1,5 triệu đồng/tháng; tổ viên 1,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nghị quyết còn quy định các mục chi khác để hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Công an tỉnh đã và đang rất tích cực, khẩn trương tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết trên và phương án bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở để góp phần triển khai có hiệu quả Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

♦ Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.