Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành, định hướng kịp thời

07:41, 31/07/2024

Trước sức hút của không gian mạng, không thể cấm đoán trẻ em mà cần đồng hành, định hướng kịp thời để các em tham gia được an toàn, lành mạnh

♦ Thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar): Cần trang bị kiến thức và kỹ năng “tự vệ” cho trẻ

Giáo viên và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho trẻ em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Người giáo viên cần chủ động tìm hiểu và nâng cao năng lực công nghệ thông tin để cập nhật các kiến thức, kỹ năng nhằm định hướng, hướng dẫn, giáo dục học sinh về vấn đề an toàn thông tin; đồng thời giới thiệu những công cụ bảo vệ các em trên không gian mạng cũng như việc sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả nhất.

Trong tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể, chương trình kỹ năng sống, cùng với mục đích đa dạng hóa sân chơi cho thiếu nhi, giúp học sinh có điều kiện tốt nhất để học tập, vui chơi, tôi thường lồng ghép các nội dung ngắn, phù hợp với độ tuổi để trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, cũng như cách sử dụng mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, không phải bậc cha mẹ nào cũng có đầy đủ kỹ năng để hướng dẫn con cái sử dụng mạng xã hội an toàn, điều đó càng thể hiện rõ ở các gia đình vùng sâu, vùng xa, do đó họ thường gặp khó khăn khi trao đổi, định hướng con cái sử dụng mạng xã hội. Với tính chất nghề nghiệp, mỗi giáo viên sẽ có nhiều cơ hội trao đổi với phụ huynh, từ đó định hướng phương pháp phối hợp giáo dục với gia đình học sinh trong vấn đề sử dụng mạng nhằm bảo đảm các em được an toàn và phát triển lành mạnh.

♦ Em Nguyễn Ngọc Như Ý, học sinh lớp 7C, Trường THCS Lê Lợi (TP. Buôn Ma Thuột): Môi trường mạng hấp dẫn trẻ em

Em nhận thấy trên không gian mạng có rất nhiều điều thú vị, hấp dẫn, ngày càng có nhiều ứng dụng, trò chơi mới, video với đủ thể loại, chủ đề. Khi tham gia không gian mạng, em thấy có nhiều lợi ích như: thuận tiện trong việc tiếp cận với kiến thức để áp dụng vào học tập; dễ dàng kết nối với bạn bè, người thân; có nhiều nội dung, trò chơi giải trí giúp giải tỏa căng thẳng sau những giờ học. 

Bên cạnh đó, thông qua không gian mạng, em nhận thấy một số vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại; nhiều bạn cuốn vào các trò chơi game bạo lực dẫn đến những ảnh hưởng về tâm lý, cơ thể, hoặc có những hành vi không tốt, chưa phù hợp. Vì vậy, em nghĩ khi tham gia vào không gian mạng cần phải trang bị thêm kiến thức để bảo vệ bản thân, có sự giám sát từ người lớn. Đối với bản thân, em sẽ cố gắng xây dựng thời gian biểu cụ thể, không dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị di động, điện tử; trang bị kỹ năng lựa chọn thông tin, cẩn thận để không bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, sai lệch trên mạng xã hội.

♦ Chị Trần Thị Nhung, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng: Quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, tình cảm của con

Khi nhận thức được những mối nguy hại mà trẻ có thể gặp phải, gia đình phải kiểm soát các thiết bị di động, điện tử, thời gian sử dụng, truy cập Internet của con; đồng thời giải thích, hướng dẫn cũng như đề ra một số nguyên tắc, giám sát để con hạn chế truy cập các nội dung không phù hợp.

Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian quan tâm hơn đến tâm tư, tình cảm của con, cùng con trò chuyện để nắm bắt, thấu hiểu, chia sẻ những câu chuyện con khó nói. Đặc biệt, tôi khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, sân chơi lành mạnh để con hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong thời gian dài.

Huyền Diệu (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.