Multimedia Đọc Báo in

Tạo bước chuyển trong cải cách hành chính lĩnh vực lao động, người có công

08:33, 24/07/2024

Hướng tới mục tiêu phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn, nhất là ở lĩnh vực lao động, người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm tạo ra những bước chuyển trong thực thi nhiệm vụ.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN ĐÌNH TƯƠNG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

Ông Nguyễn Đình Tương.

♦ CCHC được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, phục vụ tổ chức, công dân ngày một tốt hơn. Vậy tại Sở LĐ-TB&XH, CCHC được chú trọng triển khai như thế nào, thưa ông?

CCHC là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cải thiện hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nhằm phục vụ tốt hơn cho tổ chức, người dân nên ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch CCHC; ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành từng nội dung cụ thể, bám sát, phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị.

Theo đó, CCHC được chú trọng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo 6 nội dung của Chính phủ, tỉnh ban hành. Trong đó, nhiệm vụ tuyên truyền CCHC được triển khai thường xuyên thông qua hướng dẫn, giới thiệu về các dịch vụ công, lợi ích của người dân, tổ chức được thụ hưởng khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng thông tin điện tử của Sở; công khai TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở và các dịch vụ công (DVC) được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp (DN) hiểu rõ lợi ích từ việc sử dụng DVC trực tuyến.

Về cải cách TTHC, hiện nay tỷ lệ số hóa kết quả TTHC tại đơn vị đạt 100%; cung cấp 65 dịch vụ công toàn trình; 100% hồ sơ công việc được tạo lập và ký số trên môi trường mạng; công tác rà soát, công khai TTHC thường xuyên được thực hiện… Qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu nắm bắt, tìm hiểu thông tin về CCHC; nâng cao thái độ, tác phong phục vụ của công chức, viên chức theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, tận tụy.

♦ Thưa ông, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội khá phức tạp, thời gian qua Sở đã đẩy mạnh CCHC như thế nào để giải quyết hồ sơ ở các lĩnh vực này đúng hạn?

Ngành LĐ-TB&XH thực thi nhiệm vụ rộng, bao quát nhiều lĩnh vực về an sinh xã hội, trong đó nhóm người có công và bảo trợ xã hội có nhiều hồ sơ, thủ tục phức tạp. Riêng đối tượng bảo trợ xã hội, phần lớn là người yếu thế nên việc tiếp cận công nghệ thông tin, DVC hạn chế.

Để nâng cao khả năng phục vụ, Sở đã tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của cán bộ, công chức và người dân về CCHC và việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC ở cơ quan nhà nước các cấp. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, huy động sự đóng góp ý kiến từ nhân dân, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thúc đẩy CCHC hiệu quả tại đơn vị.

Sở cũng thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định; theo dõi sát, kịp thời nắm bắt, xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân. Cùng với đó, nâng cao chất lượng tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại bộ phận một cửa, trong đó tối đa hóa thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao tần suất sử dụng DVC trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân, DN trên lĩnh vực của ngành… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã tiếp nhận, giải quyết 162 hồ sơ, với tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 100%.

Chuyên viên Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn thân nhân người có công thực hiện thủ tục liên quan.

♦ Công cuộc chuyển đổi số góp phần không nhỏ để thúc đẩy CCHC. Trong các lĩnh vực của ngành, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục sử dụng các phần mềm ứng dụng để cung cấp DVC như thế nào nhằm mang lại hiệu quả trong giải quyết công việc, thưa ông?

Ứng dụng DVC trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong cải cách TTHC tại đơn vị, do đó Sở đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trực tuyến toàn trình và tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Cụ thể, đơn vị đã triển khai ứng dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành iDesk, 100% văn bản đến được tiếp nhận, xử lý, lưu trữ qua hệ thống iDesk; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử là 100%.

Để tiếp tục tạo ra bước chuyển trong CCHC lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Sở sẽ thường xuyên rà soát, nghiên cứu, tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật các lĩnh vực này; thực hiện có hiệu quả công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Cùng với đó là hoàn thiện dữ liệu ngành bao gồm: dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, dữ liệu bảo trợ xã hội, dữ liệu trẻ em, dữ liệu người có công, dữ liệu người lao động, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" góp phần giải quyết hồ sơ TTHC, phục vụ người dân, DN...

♦ Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.