Multimedia Đọc Báo in

Hướng đến xây dựng hệ sinh thái ngành hàng sầu riêng bền vững

15:53, 31/08/2024

Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc: Phát triển và hội nhập” không chỉ là ngày hội của người nông dân mà còn giúp địa phương định vị giá trị và thương hiệu bền vững cho ngành hàng, nhất là trước cơ hội từ Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc vừa được ký kết.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Krông Pắc TRẦN HỒNG TIẾN, Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội để làm rõ hơn về vấn đề này.

 

♦ Thưa ông, với 12 chuỗi hoạt động đặc sắc, Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II sẽ mang đến thông điệp gì?

Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc: Phát triển và hội nhập” mang nhiều thông điệp và ý nghĩa quan trọng. Trước hết là khẳng định vị thế của sầu riêng Krông Pắc như một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Nguyên, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm. Lễ hội cũng truyền tải thông điệp về khát vọng xây dựng hệ sinh thái ngành hàng sầu riêng để định vị giá trị thương hiệu "Sầu riêng Krông Pắc" và nâng cao vai trò của những nông dân làm nông nghiệp tử tế.

Chính vì vậy, Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ II có quy mô lớn hơn, được tổ chức bài bản và nhiều hoạt động ý nghĩa hơn sẽ tiếp tục tôn vinh người trồng sầu riêng cùng với những giá trị kinh tế từ loại trái cây này mang lại. Đây cũng là dịp quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện Krông Pắc về kinh tế gắn với phát triển văn hóa, du lịch; thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào huyện Krông Pắc trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu hướng hội nhập và phát triển của cả nước.

Sân khấu chính - nơi diễn ra các hoạt động của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II. 

♦ Theo ông, địa phương đã và sẽ “trao” cho nông dân, doanh nghiệp (DN) những cơ hội gì khi đến với Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc?

Huyện xác định, Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc không chỉ là một sự kiện văn hóa - kinh tế mà còn là “sân chơi” để nông dân và DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu sầu riêng và những mặt hàng nông sản khác của địa phương đến đông đảo du khách, khách hàng. Từ đó kết nối với các đối tác tiềm năng, mở rộng mạng lưới phân phối và tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm của mình.

Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II - năm 2024 có 12 hoạt động chính gồm: Hội thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi; Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương; Ngày hội văn hóa - ẩm thực các dân tộc huyện Krông Pắc (mở rộng); Trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn và tham quan cây sầu riêng cổ thụ; Lễ khai mạc; Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững; Giải việt dã vì sức khỏe cộng đồng; Lễ hội đường phố; Đêm hội DJ và vũ hội ánh sáng giao lưu nghệ thuật giữa các câu lạc bộ đội, nhóm nghệ thuật; Lễ chào cờ, đồng diễn áo dài và trang phục các dân tộc; Chương trình biểu diễn nhạc nước nghệ thuật; Lễ bế mạc.

Điều này cũng đã được chứng minh qua Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I (tổ chức năm 2022) đã tạo được tiếng vang lớn và trở thành điểm đến của cả ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Nhờ đó, giá bán sản phẩm đã tăng cao, trong năm 2023 lợi nhuận thu được của người trồng sầu riêng đạt từ 0,7 - 1,5 tỷ đồng/ha; giá trị sản xuất sầu riêng đạt khoảng 6.000 – 6.400 tỷ đồng. Đặc biệt, sau lễ hội lần thứ nhất, đã có hơn 11.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Krông Pắc.

Riêng năm 2024, có 4 dự án trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nhà máy chế biến hoa quả, với tổng số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng sẽ khởi công trên địa bàn huyện.

Đây chính là cơ hội mà Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc đã “trao” cho nông dân và DN để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững các mặt hàng nông sản của huyện, nhất là sầu riêng chế biến sâu, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu khi Trung Quốc đã mở cửa cho mặt hàng sầu riêng cấp đông của Việt Nam.

Đối với Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực là điều kiện thuận lợi cho nông dân giao lưu, học hỏi từ những người có kinh nghiệm trong ngành trồng sầu riêng. Qua đó, họ tìm được các giải pháp để phát triển vùng trồng, nâng cao chất lượng sầu riêng; DN tìm thấy cơ hội đầu tư, kết nối trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ quả sầu riêng, cũng như các nông sản hàng hóa chủ lực của huyện. Lễ hội cũng mở ra cơ hội cho du lịch nông nghiệp phát triển, mang lại lợi ích kinh tế cho cả nông dân và DN dịch vụ… Huyện cũng kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều dự án đầu tư từ lễ hội lần này để gắn kết nông dân - DN tham gia sâu chuỗi ngành hàng nông sản huyện nhà.

Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II - năm 2024 Trần Hồng Tiến tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương. Ảnh: Đinh Nga

♦ Thông qua lễ hội, ông có kỳ vọng gì trong việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" để ngành hàng sầu riêng của địa phương cũng như cả nước phát triển bền vững trong thời gian tới?

Năm 2022, huyện đã tổ chức thành công Lễ xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên theo đường chính ngạch sang Trung Quốc trong dịp Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I. Qua đó đã tạo động lực cho "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh phát triển nhanh, với trên 71.000 ha, sản lượng khoảng 92.000 tấn (trong năm 2024), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của huyện Krông Pắc. Tuy nhiên, "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay là chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng còn lỏng lẻo, chưa bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia liên kết nên còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc…

Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024 diễn ra trong bối cảnh rất thuận lợi khi Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông Việt Nam sang thị trường Trung Quốc được ký kết thành công.

Để không bỏ lỡ cơ hội này, trong Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững huyện Krông Pắc, với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, các đại sứ nước ngoài, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, DN thu mua sầu riêng xuất khẩu trong và ngoài nước sẽ tập trung đánh giá về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện trong thời gian qua.

Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ sầu riêng và đưa ra những giải pháp cần thực hiện ngay để xây dựng hệ sinh thái sầu riêng phát triển một cách bền vững không chỉ cho địa bàn huyện Krông Pắc mà còn lan tỏa trên cả nước.

Tôi kỳ vọng từ hội thảo này, các bộ, ngành, địa phương sẽ tìm ra nhiều giải pháp để chung tay tháo gỡ được những "điểm nghẽn" của ngành hàng, từ đó tập trung xây dựng và định vị giá trị sản phẩm sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.

♦ Xin cảm ơn ông!

Minh Thuận (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc