Multimedia Đọc Báo in

Những nghề cũ nhắc nhớ về quá vãng…

17:16, 27/09/2024

Có những cái nghề dần biến mất trước sự phát triển của xã hội. Nhưng cho dù biến mất thì nó vẫn là một phần của lịch sử đất nước.

Làm sao quên được những buổi sáng ở Sài thành, dù cà phê máy lạnh hay cà phê cóc, cứ mỗi ly cà phê kèm theo một tờ “nhựt trình” như cách nói của người Sài Gòn.

Những đại lý phát hành báo của thời hoàng kim giàu có hơn cả các tòa soạn. Các đại lý phát hành này được phân cấp theo hệ thống, đại lý mẹ, đại lý con, các sạp lớn đến các sạp nhỏ và cuối cùng là đội ngũ hàng vạn người cầm tập báo đi bán dạo.

Tiếng rao “báo đê” vang vọng trên phố sớm tinh sương. Nhất là những ngày có sự kiện “nóng”, “cháy báo” thì đội ngũ bán báo lẻ cũng có phần rủng rẻng. Còn nhớ khi xảy ra vụ tấn công nước Mỹ 11/9/2001, Internet chưa phát triển, các báo đua nhau cạnh tranh thông tin.

Hồi đó có nhiều báo phát hành cách nhật, khi sự kiện xảy ra có tờ báo nhờ ra đúng ngày kế đó nên gần như độc quyền thông tin, tờ báo khác phải chờ tới hôm sau, vậy là “thua” tức tưởi, còn tờ báo kia nhờ vậy mà bứt lên.

Thời điểm “hot” hằng năm là mùa thi đại học. Phụ huynh đua chen mua báo để xem đáp án, rồi kết quả đỗ - rớt. Tờ báo thời Internet chưa phát triển thiết thân gần gũi và cần thiết đến vậy nên nhà nhà mua báo, người người mua báo, nhờ đó mà nghề bán báo mưu sinh nuôi sống hàng vạn gia đình.

Các sạp bán báo một thời sôi động, nay đã trở thành quá vãng.

Bán báo đúng ra là một công việc hơn là một nghề, nhưng có không ít gia đình đi bán báo trở thành “truyền thống” nối qua vài đời. Có người từ bán báo rong mà gầy nên sạp báo, từ một sạp thành vài sạp rồi thành đại lý, rồi có tiền đem đầu tư vào bất động sản và sau này trở thành đại gia.

Giờ đây những ly cà phê sáng đã vắng bóng những người bán báo dạo. Chỉ còn lác đác trên vài tuyến phố là có sạp báo, nhưng cũng không mấy ai mua. Với sự phát triển của công nghệ, nghề bán báo thịnh hành cả trăm năm đang dần biến mất, những tờ báo có số lượng in hàng trăm nghìn tờ/ kỳ phát hành nay cũng chỉ quanh quẩn với con số chục nghìn bản, mà bán chủ yếu cho những bạn đọc có tuổi, của thế hệ trước; còn giới trẻ nay hầu hết lại đọc trên “app” hay mạng xã hội…

Nhắc lại những nghề bị lãng quên, không ai không nhớ mấy cái nghề của thời bao cấp khốn khó được đúc kết thành vè: “Gia công quy gai xốp/ Lộn cổ áo sơ mi/ Dán vá ni lông rách/ Bơm mực bút chì bi...”. Gia công “quy, gai xốp” là nghề gia công đóng hộp giấy cho các loại bánh quy, gai xốp… vốn phổ biến ở các đô thị phía Bắc, nơi có các xí nghiệp bánh kẹo thời bao cấp; còn “lộn cổ áo sơ mi” thì phổ biến hơn vào những năm 1980 ở khắp hang cùng ngõ hẻm từ thành phố đến làng quê.

Những năm đó vải được bán theo hộ gia đình với chế độ tem phiếu, không phải ai cũng có đủ vải để may áo quần bởi có khi phiếu vải ấy được đem bán lấy tiền mua gạo, mua thuốc khi ốm đau…

Vì thế cái áo sơ mi cũ được làm mới để sử dụng lâu dài. Thường thì phần cổ áo sơ mi là nơi dễ bị sờn rách nhất do tiếp xúc nhiều. Và “cái khó ló cái khôn”, để biến sơ mi thành chiếc áo “trông như mới”, những người thợ may đã linh hoạt tháo gỡ đường chỉ nối cổ áo và thân áo, lật phần cổ áo phía sau ra trước, khi cổ áo lật lại thì phần sờn rách đã bị giấu kín, chiếc áo trông như mới. Có người nghèo quá, để có cái áo mới mặc đón Tết thì ngay cái áo có cổ áo bị sờn ấy cũng được để dành, gần Tết mới đem ra thợ “làm đẹp” bằng phương pháp “lộn cổ” ấy.

Nơi làm việc của người thợ bơm mực bút bi.

Cũng không thể không nhớ cái nghề “bơm mực bút bi”. Những năm đó, chiếc bút đi được liệt vào hàng văn hóa phẩm cao cấp. Chiếc bút bi thông thường ở xứ người ta dùng hết mực là vứt đi. Nhưng ở Việt Nam những năm sau 1975, nghèo khó thắt lưng buộc bụng là chuyện khắp nơi nơi, và vì thế cây bút bi dùng xong không thể vứt bỏ được. Nó sẽ được súc rửa sạch sẽ và bơm mực vào. Mực bút bi thường được sản xuất ở những cái xưởng nho nhỏ của những người Hoa; dụng cụ bơm mực chỉ cần một ít bơm kim tiêm, bơm đầy mực và phun từ từ vào thân ngòi bút. Một trong những vật khó sản xuất nhất của bút bi là viên bi đầu bút. Và bằng cách nhờ những thủy thủ tàu viễn dương mang về, vài ký bi là có thể sửa được được hàng vạn chiếc bút bị mòn bi.

Việc tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng còn sinh ra nghề dán vá áo mưa. Dán vá áo mưa là gọi chung cho nhiều dạng công việc, thật ra việc chính là dùng nhiệt làm nóng các chất nilon, cao su… để liên kết các phân tử nhựa lại mà thôi. Áo đi mưa bị rách, chỗ rách đó sẽ được cắt phủ lên một miếng nilon khác đủ bao trùm phần cần vá. Người thợ thường dùng một que sắt dẹt hơ trên bếp than nóng, đến đủ độ nóng cần thiết thì miết que sắt ấy lên lớp nilon sao cho độ nóng đủ làm hai lớp được kết dính lại. Dán dép nhựa cũng theo cách tương tự như thế, nhưng cần kỹ thuật cao hơn.

Câu chuyện đổi mới của năm 1986 đã góp phần tạo ra luồng gió mới kích hoạt năng lực sản xuất, tạo ra đột phá kinh tế. Những gương mặt lam lũ đăm đắm lo toan cơm áo chừng đã dễ thở hơn, những chiếc áo sơ mi đã không còn lộn cổ, vải vóc từ các thị trường trên thế giới được mở cửa đối lưu. Những hàng hóa như cà phê, đậu lạc, hạt tiêu của người nông dân theo những con tàu viễn dương đi ra thế giới. Những quần bò Levi’s , áo phông theo tàu viễn dương trở về. Những cây bút bi hiệu “BIC” đã xuất hiện trở lại thay cho những chiếc tủ gỗ buồn bã gắn tấm biển “bơm mực bút bi” dưới những gốc sấu già của Hà Nội…

“Về sau và nhiều năm sau nữa..”, câu hát trong một bản tình ca đó cũng là nỗi niềm của một thời gian khó. Và chúng ta biết ơn những tháng ngày gian khó đó, biết ơn đất nước đã đi qua nó, bình tâm và lẫm liệt tiến về phía trước. Những nghề cũ sẽ mất dần, mai một dần nhưng đó là một phần lịch sử ngàn năm dằng dặc trôi qua, đọng đầy trong ngăn ký ức của mảnh đất mà ta gọi là Tổ quốc!

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc