Một vùng văn hóa làng sông
Tôi có ông bạn mê nghiên cứu văn hóa ở Tuy Phước (Bình Định). Một bữa bạn nhắn “ra tao chơi”. Thế là tôi tót lên xe đi Bình Định.
“Tuy Phước là thủ phủ của bánh ít lá gai Bình Định”, ông bạn nói chắc nịch, rồi chở tôi đến thẳng cơ sở bánh ít Bà Dư.
Cơ sở Bà Dư làm bánh ít nổi tiếng nhất ở Bình Định, nằm ngay thị trấn Tuy Phước. Ngõ nhà xanh mát khang trang như dậy lên trong hương nếp lá gai. Từng dãy bàn tăm tắp các công đoạn luộc, giã lá gai, quết nhuyễn với bột nếp, bào dừa, xào nhân, gói lá, hấp bánh, cắt lá chuối tươi làm hộp đựng... Chị Võ Thị Bích Ngọc (con dâu bà Dư) tiếp chúng tôi bên chiếc máy tính với danh sách khách đặt hàng dọc dài. Chị kế thừa lò bánh gia truyền từ mẹ chồng. Câu chuyện sôi nổi với những thăng trầm của chiếc bánh ít lá gai hình tháp.
Ngày trước, bánh ít Bà Dư chỉ làm quanh quẩn phục vụ cho những dịp giỗ chạp tại chỗ, bán ở chợ huyện, qua Quy Nhơn. Nay nhờ sự kết nối du lịch, công nghệ thông tin nên chiếc bánh dẻo thơm lan tỏa khắp xứ.
Bánh ít lá gai Tuy Phước, Bình Định. |
Bánh ít đất võ là đồ ngọt nhưng hương vị khó chối từ bởi có sự hiện diện của lá gai - một thức ăn đặc trưng, vị thuốc xứ Nam Trung Bộ, đặc biệt thơm quyện và hỗ trợ tiêu hóa. Thế nên bánh ít lá gai gói thủ công thuộc diện ăn hoài vẫn nhớ. Lòng người không phụ món ngon. Từ vận chuyển bằng xe ngựa, xe đò đến lên mây theo những chuyến bay là một bước hia ngàn dặm của bánh ít lá gai. Nay, muốn ăn bánh ít lá gai khỏi cần “lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”.
Sẵn trớn, ông bạn hướng dẫn viên tà tà cho tôi đi Phước Thuận thăm nhà thờ Làng Sông. Nhà thờ cổ hiện ra ngợp mát giữa ruộng đồng phì nhiêu Tuy Phước. Chúng tôi lặng lẽ đi giữa tịch mịch tuyệt đỉnh kiến trúc Gothic châu Âu ngay lòng thôn dã Bình Định. Đẹp tựa những dòng thơ cổ điển.
Nhà thờ Làng Sông là một chứng tích kỳ vĩ của xứ Đàng Trong khi được coi là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ có mặt tại nước Nam. Bên trong nhà thờ Làng Sông vẫn còn dấu vết nền móng của nhà in Làng Sông. Đây là một trong ba nơi khởi thủy in sách quốc ngữ ở Việt Nam, gồm: nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú (Hà Nội) và nhà in ở Làng Sông (Bình Định).
Chiều, chúng tôi tìm về Phước Lộc để ghé làng nem Chợ Huyện. Còn cách khá xa, Chợ Huyện đã “kính chào quý khách” bằng mùi nem nướng lò than lung liêng trời đất, chao đảo lòng người. Hương vị nem nơi đây đã lâu rồi vang xa như là đại biểu nem miền Trung, với phong cách đậm đà, ý vị của đất đồng xứ Nẫu.
Một góc làng phố nem Chợ Huyện, Tuy Phước, Bình Định. |
Làng phố nem chả Chợ Huyện phồn thịnh xuyên qua Phước Lộc. Lấp lóa những xâu chả, nem, tré lừng danh mà chân chất. Ông bạn Tuy Phước râm ri rằng là vùng Chợ Huyện xa xưa là nơi tập trung khá đông các gia tộc quyền quý, dần phát sinh nhu cầu ăn ngon, quy tụ đặc sản khắp xứ. Vùng này cũng chỉ cách kinh đô Vijaya - Hoàng Đế có một thôi đường nên con nem xứ này được đào luyện đến tuyệt chiêu. Miếng nem chua Chợ Huyện ấn tượng bắt đầu từ lớp lá chuối xanh màu thời gian, tiếp đó là làn hương lá ổi, đượm hòa cùng màu hồng nền nã của thịt nem, chợt đột phá bằng vị cay của ớt và những hạt tiêu nồng nã. Nâng thêm ngụm Bàu Đá, biết đời còn chút gì khinh khoái.
Bất ngờ xa xa bung lung đôi tiếng trống tuồng. Ông bạn lại nhắc ngày mai phải vãng Đền thờ ông tổ nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Ngay cạnh đây, ở làng Vinh Thạnh, Phước Lộc. Thì ra lũ tôi đang thưởng rượu trên quê hương danh sĩ Đào Tấn. Ca dao còn ghi: Ai về Vinh Thạnh quê em/ Ăn nem Chợ Huyện, đêm xem hát tuồng.
Thăng lên, chúng tôi lại lôi chuyện “xứ Nẫu ở đâu?” ra xí phần. Ấy là nhớ bài lai trên diễn đàn có dạo cả Bình Định và Phú Yên đều giành là xứ Nẫu. Thực tế, với đôi nét tương đồng (đặc biệt là giọng nói), vùng hai tỉnh Bình Định - Phú Yên đều được gọi là xứ Nẫu. Thấy vẻ găng, tôi thả giọng trầm: “Tao Phú Yên, mày Bình Định thì đều là hai thằng Nẫu. Vậy tạm gọi Bình Định là Bắc Nẫu, Phú Yên là Nam Nẫu”. Ông bạn có vẻ nguôi nguôi.
Nhà thờ Làng Sông được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, một lối kiến trúc đặc trưng của châu Âu. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Chiều Tuy Phước lay lay. Chợt nhớ mấy câu của người thơ Phan Hòa: “Ta yêu em từ thời bao cấp khó khăn/ Tem phiếu thịt rau ở cửa hàng Tuy Phước/ Mùa mưa đến những cánh đồng ngập nước/ Mình đợi xuồng qua lại bến sông Kôn”.
Lại vẳng đâu đây một điệu bài chòi ngấm nồng lìm lịm giữa đất võ trời văn, giữa mùa xuân lâm thâm mưa bụi…
Ký sự của Hùng Phiên
Ý kiến bạn đọc