Tăng cường quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng
Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, cũng là lúc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trà trộn trên thị trường, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát. Để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông VƯƠNG MINH SƠN, Phó Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk.
Ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk. Ảnh: Vạn Tiếp |
♦ Bán hàng trực tuyến là “mảnh đất màu mỡ” để mở rộng thị trường, tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này tiềm ẩn không ít rủi ro, khiến việc quản lý hàng hóa gặp khó khăn gì, thưa ông?
Mua sắm qua hình thức phát trực tiếp (live stream) trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử đang là xu thế được người tiêu dùng lựa chọn. Các tiểu thương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã nắm bắt, khai thác và sử dụng nền tảng số để bán hàng trực tuyến. Phương thức kinh doanh này thuận tiện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng nên ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, phần lớn các tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến thường không có địa điểm kinh doanh cố định, dễ dàng xóa bỏ thông tin. Người mua - người bán không gặp nhau mà chỉ thông qua đơn vị giao hàng. Vì vậy, lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để phát hiện nơi chứa hàng, thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm, khi phát hiện thì đối tượng đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm trước đó, gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng. Vì không có địa điểm kinh doanh cụ thể nên việc thu thuế người kinh doanh cũng gặp khó khăn, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.
Để việc mua sắm trực tuyến an toàn, hiệu quả, người tiêu dùng nên mua hàng tại những website uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, thông tin liên lạc rõ ràng, tìm hiểu kỹ điều kiện và điều khoản mua bán, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả hàng, hoàn tiền, giao nhận. Khi mua hàng người tiêu dùng cần yêu cầu người bán cung cấp những giấy tờ liên quan đến đến xuất xứ hàng hóa.
♦ Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được Cục QLTT Đắk Lắk tăng cường như thế nào thưa ông?
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với lực lượng QLTT cả nước nói chung và QLTT Đắk Lắk nói riêng bởi sự nở rộ của hình thức kinh doanh trên nền tảng số, tạo ra nhiều thách thức trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, trong năm 2024 cũng có sự biến động lớn về giá vàng gây khó khăn cho việc ổn định thị trường.
Năm 2024, Cục QLLT Đắk Lắk đã kiểm tra 1.020 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 603 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 6,8 tỉ đồng. Trong đó, nổi cộm nhất là hai lĩnh vực về thương mại điện tử và kinh doanh vàng. Cụ thể, lĩnh vực thương mại điện tử xử phạt 2,4 tỷ đồng, hành vi vi phạm chủ yếu là hàng giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu nổi tiếng; lĩnh vực vàng xử phạt 2 tỷ đồng. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Vạn Tiếp |
♦ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, vấn đề bảo đảm ATTP được người tiêu dùng rất quan tâm. Vậy Cục QLTT Đắk Lắk đã có giải pháp gì để kiểm tra, giám sát các nhóm mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng?
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, kiểm soát hoàng hóa trên thị trường nhưng tình hình vi phạm về ATTP vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số tổ chức, cá nhân tìm cách trà trộn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả ra thị trường.
Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục QLTT Đắk Lắk đã xây dựng, ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Theo đó, Cục QLTT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát những cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, nhằm bảo đảm cho người dân có cái Tết an toàn trong vấn đề vệ sinh ATTP.
Song song đó, Cục QLTT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về ATTP. Đồng thời khuyến khích người dân cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác kịp thời những hành vi vi phạm về ATTP cho cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho chính mình.
Trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường có nhiều hàng hóa thật, giả đan xen, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thì việc tìm mua được sản phẩm chính hãng, chất lượng là điều mọi người cần lưu ý. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nên mua hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tin cậy hoặc tìm sản phẩm của các nhà sản xuất có truyền thống lâu đời và uy tín để tránh “tiền mất, tật mang”.
♦ Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc