Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò “cầu nối”, người đại diện có trách nhiệm của cử tri

08:44, 14/05/2025

Toàn dân đã và đang tích cực đóng góp ý kiến để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp - đạo luật gốc. Vai trò của người đại biểu Quốc hội - "cầu nối" tin cậy giữa Nhân dân với cơ quan quyền lực Nhà nước càng trở nên đặc biệt quan trọng.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ THU NGUYỆT, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

♦ Thưa bà, với tư cách là người đại diện cho cử tri địa phương, bà nhìn nhận như thế nào về vai trò của ĐBQH trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này?

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một sự kiện có ý nghĩa chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự tham gia trách nhiệm, sâu sát của các ĐBQH.

Với tư cách là người đại diện cho cử tri, ĐBQH không chỉ là người trực tiếp tham gia vào quá trình thảo luận, quyết định tại nghị trường mà còn có vai trò cầu nối giữa Nhân dân và Quốc hội. Việc chủ động nghiên cứu tài liệu, tiếp thu ý kiến đóng góp từ cơ sở, phản ánh trung thực và đầy đủ các kiến nghị của cử tri chính là cách để đại biểu góp phần bảo đảm Hiến pháp thực sự là ý chí, là nguyện vọng của toàn dân. Đồng thời, đây cũng là dịp để đại biểu thể hiện năng lực, tâm huyết và trách nhiệm của mình trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

♦ Đoàn ĐBQH tỉnh có chương trình, kế hoạch cụ thể gì để tổng hợp, phản ánh đầy đủ ý kiến cử tri địa phương liên quan đến góp ý sửa đổi Hiến pháp, thưa bà?

Chúng tôi đã chuẩn bị cho công tác này từ khá sớm. Trước thời điểm Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP, ngày 5/5/2025 về “Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” (gọi tắt Kế hoạch 05); Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV. Qua các buổi tiếp xúc, chúng tôi ghi nhận cử tri địa phương rất quan tâm và đồng thuận cao với chủ trương sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, sắp xếp đơn vị hành chính và khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị.

Hiện nay, thực hiện Kế hoạch số 05, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh cũng đang triển khai việc lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp thông qua nhiều hình thức phù hợp. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để theo dõi, nắm bắt, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của Nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, cán bộ trong toàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp, kèm theo các kiến nghị cụ thể để gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền, góp phần bảo đảm nội dung sửa đổi Hiến pháp sát thực tiễn, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các tầng lớp nhân dân tại địa phương.

♦ Từ góc độ của một đại biểu chuyên trách, bà kỳ vọng gì vào kết quả của lần sửa đổi Hiến pháp này đối với việc hoàn thiện thể chế?

Tôi kỳ vọng lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ tạo ra những chuyển biến thực chất trong việc hoàn thiện hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng theo kết luận của Bộ Chính trị; cùng với việc xác lập rõ hơn mô hình tổ chức chính quyền địa phương, phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. Tôi tin rằng, việc sửa đổi lần này sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy quá trình cải cách, phát triển đất nước và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của Nhà nước.

♦ Trân trọng cảm ơn bà!

Quỳnh Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc