Sông Ba - dòng chảy kết nối (bài 1)
Sông Ba – con sông kết nối Tây Nguyên và miền Duyên hải Nam Trung Bộ - hàng trăm năm qua đã là trục giao thông thủy quan trọng, là không gian kết nối, phát triển kinh tế biển – rừng.
Ngày nay, với sự hợp nhất của hai địa phương Đắk Lắk – Phú Yên, sông Ba tiếp tục là dòng chảy kết nối, là nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk mới.
Bài 1: Di sản của dòng sông
“Sông Ba chảy xuống Đà Rằng/ Ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên...” - câu ca quen thuộc phản ánh mối lương duyên, gắn kết giữa hai tỉnh Đắk Lắk – Phú Yên. Kết nối rừng - biển, dòng sông Ba chảy từ lịch sử đến hiện tại, chất chứa trong nó nguồn di sản quý giá của cư dân trong lưu vực…
Nền văn hóa phong phú
Bắt nguồn từ độ cao hơn 1.500 m ở dãy núi Ngọc Rô, thuộc Tây Bắc tỉnh Kon Tum, chảy dài 374 km, mở ra một lưu vực rộng đến hơn 13.900 km2, sông Ba là con sông lớn nhất và có độ dốc nhất miền Trung. Chính điều này đã tạo nên những nét rất riêng của sông Ba, bên cạnh một nền văn hóa hết sức phong phú ở đôi bờ, sông Ba còn là cửa ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông. Dưới các triều đại Chămpa và nhà Nguyễn, sông Ba đã là trục giao thông thủy quan trọng, là không gian kết nối, phát triển kinh tế biển – rừng.
![]() |
Những cánh buồm trên sông Ba. Ảnh: Trần Quỳ |
Lưu vực sông Ba và phụ cận bao gồm một phần lãnh thổ của 7 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Định. Về mặt tự nhiên, xét trên góc độ lưu vực thuộc vào 3 lưu vực chính: sông Ba (Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk), sông Sêrêpốk (Đắk Lắk) và sông Côn (Bình Định). 3 lưu vực này có quan hệ về cân bằng nguồn nước, sinh thái và môi trường. Lưu vực sông Ba là lưu vực nội địa lớn thứ hai của lãnh thổ nước ta, nằm cả hai sườn dãy núi cao Trường Sơn và có thể coi là lưu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống Duyên hải Nam Trung Bộ. Vì vậy mạng lưới sông suối trong lưu vực sông Ba có những đặc điểm rất khác biệt so với các lưu vực sông khác có cùng vị trí địa lý.
Về truyền thống, giữa các dân tộc sinh sống trong lưu vực đã có mối quan hệ từ lâu đời, cùng chung một hoàn cảnh lịch sử, uống chung một dòng nước. Trong dân gian từ lâu đã lưu truyền câu ca dao nói về sự giao thương và gắn kết giữa hai miền “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Đặc biệt, đồng bào thuộc các địa phương miền núi dọc lưu vực sông Ba đã có những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.
Qua sưu tầm, khai quật khảo cổ học và nghiên cứu cho thấy lưu vực sông Ba là vùng đất có nền văn hóa lâu đời và phát triển ở trình độ cao thể hiện qua các công cụ được chế tác bằng đá như: đàn đá, kèn đá, tù và đá, rìu, bôn, nao, bàn mài… Có nền văn hóa đặc trưng là văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Bên cạnh đó, còn có những di sản văn hóa vô cùng quý giá của các dân tộc thiểu số vùng bán sơn địa miền Tây Phú Yên ngược lên cả Tây Nguyên, mà tiêu biểu là không gian văn hóa cồng chiêng và sử thi. Lưu vực sông Ba cũng là nơi sản sinh ra nghệ thuật hát tuồng, hô bài chòi, hò bá trạo ở vùng hạ lưu, các lễ hội cồng chiêng, lễ mừng nhà mới, lễ mừng sức khỏe... của người Êđê, Ba Na, Chăm H’roi nơi đầu nguồn…
Những “di sản sống” của dòng sông
Trong chiều sâu cội nguồn, sông Ba còn là suối nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác, cho những ai duyên nợ với dòng sông.
Nhạc sĩ Nhật Lai, một người con Phú Yên nhưng phần lớn cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác lại gắn với Đắk Lắk, gắn với Tây Nguyên, gắn với mạch nguồn văn hóa của đôi bờ sông Ba.
Sinh năm 1931 tại huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), năm 1948, Nhật Lai theo học Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ (ở Quảng Ngãi) và hai năm sau làm cán bộ thuộc Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Đắk Lắk. Công tác tại Đắk Lắk, nhạc sĩ Nhật Lai học ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ông thường đóng khố, đi chân đất, lặn lội khắp các buôn làng, tìm hiểu đời sống, văn hóa của người Êđê, Ba Na, J’rai, H'rê... và nói thành thạo tiếng của đồng bào. Ông sưu tầm, nghiên cứu dân ca và sáng tác nhạc về Tây Nguyên, có những đóng góp to lớn cho âm nhạc Tây Nguyên.
![]() |
Chiều về trên bến sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh |
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng là người dân tộc Chăm H’roi ở buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên)- nơi con sông Ba chuẩn bị xa cao nguyên, về với đồng bằng trước khi đổ ra biển. Quyết tâm lưu giữ di sản của dòng sông Ba, đó là những cái bụng lưu giữ dân ca, trường ca, Ka Sô Liễng miệt mài sưu tầm, biên dịch các bản trường ca của các sắc tộc miền ngược. Buổi tối hằng ngày, sau những giờ lao động trên vườn, trên rẫy, ông lại miệt mài chong đèn cặm cụi xả băng ghi âm, ghi lại từng đoạn của trường ca, hoặc biên dịch từ những trang sách đã ố vàng… Dù nay ông đã trở thành người thiên cổ nhưng kho tàng sử thi mà ông đã sưu tầm được thì còn mãi với thời gian.
Một di sản lớn nữa của dòng sông Ba là nhà văn người dân tộc Êđê Y Điêng. Ông lớn lên tại buôn Thung (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) – một buôn làng nhỏ nằm ở phía Đông núi Mẹ Bồng Con, bên bờ Nam của sông Hinh, một phụ lưu của sông Ba khi chảy vào Phú Yên. Nhà văn Y Điêng được các thế hệ nhà văn ví như bóng cây kơ nia đại thụ, như già làng của văn học Tây Nguyên. Nhà văn Y Điêng biết tiếng Pháp, tiếng Lào, giỏi nhiều tiếng đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Na, Chăm, J’rai, Tày… Ông đã viết: Em chờ bộ đội Awa Hồ, Ông già Khơ Rao, Hơ Giang Drai hlinh đi về phía sáng, Như cánh chim Kway, Chuyện trên bờ sông Hinh… Nhưng giá trị hơn cả, ông là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết; ông cũng là người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê - Việt, và ông cũng là người Êđê đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Cùng ở sông Hinh, ông Y Điêng viết văn, còn ông Mô Lô Y Choi thì làm thơ. Hai ông sóng đôi trong làng văn học Tây Nguyên như đôi bờ con sông Hinh. Bằng thơ, ông Mô Lô Y Choi đã tạo ra một cô gái sông Ba đầu búi tóc thon, tay thoăn thoắt vót chông, miệng thánh thót hát. Ông Mô Lô Y Choi kể: “Hồi đó anh em ở miền Nam ra kể chuyện, tôi suy nghĩ viết bài “Cô gái vót chông” đăng Báo Văn Nghệ, được giải Khuyến khích. Hoàng Hiệp viết nhạc, hát đến bây giờ”...
Chỉ mới một đoạn nơi sông Ba chuẩn bị đổ ra biển, chúng tôi đã bắt gặp bao nhiêu “di sản sống” của dòng sông. Ngược dòng về phía mặt trời lặn còn nhiều thiên sử nữa của những Đăm San, những Nữ thần mặt trời… Những người gìn giữ di sản của dòng sông thì bản thân họ cũng trở thành một di sản. Họ tận hưởng và tạo ra di sản của dòng sông bằng cách cặm cụi ở làng, cặm cụi hít thở không khí rừng núi, đêm ngày lo cho những địa tầng văn hoá của sắc tộc mình, vốn chỉ khởi lộ trên nương rẫy, bếp lửa nhà sàn và trên những dòng sông...
(Còn nữa)
Bài 2: Sông Ba và trục kinh tế Đông Tây
Trần Thanh Hưng - Trần Chí Kông
Ý kiến bạn đọc