Multimedia Đọc Báo in

Tương lai nào cho Afghinistan?

09:00, 21/08/2021

Cuộc xung đột tại Afghanistan đã đi đến hồi kết trong một tiến trình không thể đảo ngược, đưa Taliban trở lại nắm quyền lực sau 20 năm.

Ngày 17-8, phong trào Taliban đã tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi giành chính quyền tại Afghanistan. Người phát ngôn phong trào Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định cuộc chiến tranh tại nước này đã kết thúc, lực lượng Hồi giáo này đang nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul cũng như toàn bộ lãnh thổ và các đường biên giới của Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Taliban là ổn định tình hình và thành lập một chính phủ.

Ông Mujahid đã đưa ra nhiều cam kết cho đất nước Afghanistan trong tương lai dưới sự lãnh đạo của Taliban. Đặc biệt, đại diện của Taliban cam kết sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ phù hợp với luật Hồi giáo, phụ nữ được làm việc và học tập, trẻ em được tự do tới trường; đồng thời ân xá cho tất cả kẻ thù, trong đó có các cựu binh sĩ hay quan chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn; các nhà thầu, phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm. Ngoài ra, Taliban cũng kêu gọi tất cả các quan chức chính phủ trở lại làm việc bình thường. Người phát ngôn Mujahid cho biết báo chí có thể vẫn được phép hoạt động tự do và độc lập tại Afghanistan, song phải phù hợp với “nền văn hóa của chúng tôi”. Bên cạnh đó, người phát ngôn Taliban cũng đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào và không để quốc gia này trở thành nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố. Taliban mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa bình với các quốc gia khác. Ông nói rằng Afghanistan muốn có mối quan hệ tốt với tất cả các bên để phát triển kinh tế và có được sự thịnh vượng, đồng thời cam kết Taliban sẽ chấm dứt mọi hoạt động trồng và sản xuất thuốc phiện...

Người dân Afghanistan sơ tán tránh xung đột. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Tuy nhiên, những cam kết ban đầu của đại diện Taliban không xoa dịu được nỗi lo ngại của cộng đồng quốc tế về tương lai bất định của Afghinistan - mảnh đất từng bị coi là “cái nôi của khủng bố”. Khi nắm quyền cách đây 20 năm, lực lượng Taliban, vốn luôn bảo vệ quan điểm Hồi giáo khắt khe với người phụ nữ, đã thực thi chính sách hà khắc, cấm phụ nữ đi làm, học tập hoặc ra ngoài mà không có người thân là nam giới đi cùng bảo vệ.

Lo ngại điều này tái diễn, ngày 18-8, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và 18 quốc gia khác đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan, qua đó kêu gọi lực lượng Taliban đảm bảo an toàn cho nhóm đối tượng này. Tuyên bố chung nêu rõ các nước đặc biệt quan ngại về việc bảo vệ quyền lợi cho các phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan như quyền được học tập, làm việc và tự do đi lại. Các nước kêu gọi những tổ chức có quyền hạn và giới chức trên toàn Afghanistan đảm bảo nhóm đối tượng này sẽ được bảo vệ. Các quốc gia tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Afghanistan để đánh giá cách chính phủ tương lai của quốc gia này đảm bảo quyền và sự tự do vốn đã trở thành một phần thiết yếu của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan trong 20 năm qua.

Câu hỏi đặt ra vào lúc này là Taliban sẽ xây dựng chính phủ mới theo mô hình nào và điều đó có ý nghĩa ra sao đối với người dân Afghanistan. Trong động thái mới nhất, ông Waheedullah Hashimi - một thành viên cấp cao của Taliban - tiết lộ đất nước Afghanistan có thể được điều hành bởi một hội đồng cầm quyền, trong khi thủ lĩnh tối cao của phong trào Hồi giáo này Haibatullah Akhundzada sẽ có thể đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo tổng thể. Theo ông Hashimi, thủ lĩnh tối cao Akhundzada có thể nắm giữ vị trí bên trên chủ tịch hội đồng cầm quyền - nhân vật đóng vai trò gần như tương tự cương vị Tổng thống Afghanistan.

Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul ngày 16-8 khi Taliban tuyên bố kiểm soát quốc gia Tây Nam Á. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ cấu quyền lực mà ông Hashimi nhắc tới sẽ có nhiều điểm tương đồng với cách thức mà Taliban điều hành Afghanistan trong giai đoạn 1996 - 2001. Khi đó, thủ lĩnh tối cao Mullah Omar đứng ở hậu trường và nhường quyền điều hành đất nước cho một hội đồng.

Chưa biết chính quyền mới ở Afghinistan sẽ điều hành đất nước như thế nào. Song có thể thấy trước rằng tương lai chính trị của Afghanistan dường như không mấy tươi sáng. Nhiều khả năng nước này sẽ bị phân quyền, rời rạc và là một nhà nước yếu kém. Vấn đề lớn hơn là chiến tranh đã tàn phá tất cả cơ sở hạ tầng của Afghanistan và nước này là một trong những quốc gia nghèo nhất, tình trạng tham nhũng tràn lan với năng lực quản trị yếu kém, trong khi an ninh bất ổn luôn là thách thức.

Để khắc phục tất cả những điều này, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên ở Afghanistan, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc trong khu vực. Tất cả đều phải nỗ lực để góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan, đảm bảo một môi trường an ninh có lợi cho sự phát triển của khu vực và thế giới.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.