Multimedia Đọc Báo in

Nhóm G20 đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận vắc xin toàn cầu

16:55, 07/09/2021

Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Rome, bộ trưởng các nước đã thảo luận việc phối hợp các chiến lược nhằm nhanh chóng chấm dứt đại dịch COVID-19, trong đó kế hoạch tăng cường phân phối vắc xin cho các nước nghèo hơn có nhu cầu được coi là yếu tố rất quan trọng để đạt mục tiêu này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ đạt được "Hiệp ước Rome" về phân phối vắc xin ngừa COVID-19 để tiêm cho toàn bộ người dân trên thế giới.

Ông nói các quốc gia giàu nhất và có tiềm lực nhất cam kết xây dựng một chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho tất cả các nước. Chỉ bằng cách làm việc cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đảm bảo việc phân phối vắc xin COVID-19 một cách công bằng hơn, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về tiếp cận vắc xin phòng bệnh.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dubbo, Australia, ngày 21/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dubbo, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Speranza bày tỏ sự lạc quan rằng kết quả hội nghị sẽ bao gồm các cam kết đảm bảo tiếp cận vắc xin COVID-19 là "quyền của tất cả mọi người, chứ không chỉ là đặc quyền của một số ít".

Theo ông, khó có thể chấm dứt đại dịch trước năm 2023 và điều này sẽ “phụ thuộc vào khả năng người dân tất cả các nước trên thế giới được tiêm chủng.”

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Speranza cũng kêu gọi cách tiếp cận "Một sức khỏe" để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng trong tương lai, ví dụ như một đại dịch khác. Chiến lược "Một sức khỏe" thừa nhận rằng con người, động vật và môi trường có mối liên hệ với nhau.

Italy, nước Chủ tịch G20 năm nay, cho biết mục tiêu của Hội nghị Rome là đưa ra "một thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đoàn kết và công lý, với niềm tin vững chắc rằng không ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.