Multimedia Đọc Báo in

Phản ứng của quốc tế về thỏa thuận an ninh AUKUS

15:00, 26/09/2021

Vào ngày 16-9, Mỹ, Anh và Australia đã công bố thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi AUKUS, ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo quy định của AUKUS, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Việc này đã gây ra những phản ứng lo ngại của một số quốc gia trong những ngày qua.

Pháp bất bình

Ngay sau khi AUKUS được công bố, Thủ tướng Australia Morrison xác nhận nước này sẽ chấm dứt hợp đồng mua 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường trị giá 66 tỷ USD với Pháp để ủng hộ AUKUS. Động thái này khiến Paris tức giận. Trong một phản ứng, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng đây là “sự phản bội” sau khi nước này đã xây dựng một quan hệ tin cậy với Australia. Ông cũng nhấn mạnh "đây không phải cách các đồng minh đối xử với nhau".

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng cho rằng "đây là một sự việc nghiêm trọng" xét khía cạnh địa chính trị và quan hệ quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn về việc Canberra từ bỏ thỏa thuận mua các tàu ngầm của Pháp để chuyển sang các tàu của Mỹ. Theo lời của Ngoại trưởng Pháp Le Drian, đây là quyết định hiếm hoi của Tổng thống Macron do “tính nghiêm trọng đặc biệt” của tuyên bố do Mỹ, Anh và Australia đưa ra trước đó.

Về phía Liên minh châu Âu (EU), lại có thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng AUKUS làm dấy lên lo ngại rằng châu Âu đang bị Washington “gạt ra ngoài lề”. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đánh giá hiệp ước an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia cho thấy EU phải phát triển chiến lược quốc phòng và an ninh của riêng mình, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một tàu ngầm của Australia. Ảnh: defensenews.com

Ngày 21-9, Đức cho rằng việc Australia từ bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp là một lời cảnh tỉnh khác đối với EU trong việc củng cố quyền tự chủ của mình, đồng thời lưu ý rằng sẽ rất khó để xây dựng lại niềm tin đã mất sau động thái này.

Lo ngại về chạy đua vũ trang

Quan hệ hợp tác quân sự sâu rộng giữa Mỹ, Anh và Australia được cho là sẽ có những tác động đối với sự cân bằng chiến lược tại châu Á nhưng cũng khiến một số quốc gia Đông Nam Á không khỏi lo âu. Indonesia và Malaysia đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Australia đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh. Ngay cả Singapore – đối tác thân thiết nhất của Australia cũng bày tỏ lo ngại.

Các nước này cho rằng, việc đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể dẫn tới triển vọng phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai. Australia không tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). Chính phủ của Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, hiệp ước này không phù hợp với liên minh giữa Canberra với Mỹ vốn được coi là một cường quốc hạt nhân.

Phát biểu khi công bố liên minh an ninh mới tại Nhà Trắng ngày 16-9, Tổng thống Biden cho biết: “Các nước sẽ cập nhật và nâng cao khả năng chung để đối phó với các mối đe dọa an ninh của thế kỷ 21, giống như những gì chúng ta đã làm trong thế kỷ 20”. Mặc dù ông Biden không nêu rõ những mối đe dọa đó là gì, nhưng tuyên bố của ông phần lớn được cho là ám chỉ Trung Quốc. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 6 quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ được cho là sở hữu những tàu ngầm hạt nhân tối tân, chạy êm hơn và có khả năng lặn sâu dưới nước trong thời gian dài hơn so với tàu ngầm hoạt động bằng động cơ diesel. Trước Australia, Anh là quốc gia duy nhất được Mỹ cung cấp công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân vào năm 1958.

Một số nước trong ASEAN cho rằng, thỏa thuận AUKUS là tín hiệu rõ ràng chứng tỏ phương Tây sẽ theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc bằng cách lôi kéo Australia vào câu lạc bộ hạt nhân. Bên cạnh đó là mối lo AUKUS sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thỏa thuận mới cũng cho thấy, Anh, Australia và Mỹ xem Biển Đông là một khu vực quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Theo giới phân tích, các tàu ngầm hạt nhân của Australia có khả năng thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh lo lắng nhiều hơn.

Căng thẳng vốn không phải điều xa lạ ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích tuyến hàng hải nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới này. Đã có rất nhiều vụ đụng độ giữa hải quân Trung Quốc và các lực lượng của Mỹ, cũng như giữa các tàu hải cảnh của Trung Quốc với tàu thuyền của một số nước thành viên ASEAN ở Biển Đông. Ngay cả khi chưa có thỏa thuận AUKUS, các nước ASEAN đã lo ngại về sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh đang diễn ra ở sân sau của mình. Mặc dù các nước thành viên ASEAN hoan nghênh Mỹ như cường quốc có ảnh hưởng lớn trong khu vực để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng họ hiểu rằng xung đột sẽ là thảm họa đối với mình.

Từ trước đến nay Đông Nam Á luôn tìm cách tránh bị liên đới trong một cuộc chiến giữa các cường quốc. Tuy nhiên, mục tiêu này ngày càng khó thực hiện khi Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng cạnh tranh quyền lực về mọi mặt.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.