Thế giới tìm cách “sống chung” với COVID-19
Sau gần 2 năm chống COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã thay đổi chiến lược: thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch vi rút” thì chuyển sang tìm cách “sống chung an toàn” với dịch bệnh...
Thay đổi đối sách, lên kế hoạch “sống chung”
Nhiều nước đang dần chuyển hướng chiến lược phòng, chống COVID-19 với mục tiêu là làm sao để sống chung một cách an toàn với dịch bệnh và giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do phải áp dụng các biện pháp phong tỏa liên tục, kéo dài.
Tại New Zealand, Bộ trưởng phụ trách đối phó COVID-19 Chris Hipkins nhận định biến thể Delta đã đặt ra “những câu hỏi lớn” về các kế hoạch tương lai của đất nước, trong đó bao gồm cả chiến lược đối phó dịch bệnh về lâu dài khi biên giới dần được mở với các nước có nguy cơ thấp.
Tiêm phòng COVID-19 tại Indonesia. Ảnh: Reuters |
Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ sớm áp dụng chiến lược "sống chung với COVID-19", tập trung ngăn chặn số ca nhập viện và nguy kịch, đồng thời nới lỏng các biện pháp điều trị để giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Các cơ quan y tế của Hàn Quốc thông báo đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch COVID-19 mới vào cuối tháng 9, thời điểm sẽ có hơn 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vắc xin.
Singapore từ cuối tháng 6 đã chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19, thông báo chính sách đi lại miễn cách ly với Hong Kong (Trung Quốc), Ma Cao (Trung Quốc), Đức và Brunei. Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây nhận định không còn khả năng đưa số ca nhiễm về 0 nữa ngay cả khi phong tỏa một thời gian dài, vì vậy phải chuẩn bị cho viễn cảnh COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, hay thủy đậu.
Để chuyển đổi chiến lược chống dịch, các nước đều nỗ lực đạt mục tiêu nâng mức độ bao phủ tiêm chủng đến mức được tin là an toàn (80 - 85% dân số) để mở cửa trở lại, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ có những lúc vẫn phải phong tỏa, giãn cách để kiềm chế dịch bệnh bùng phát. |
Bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali ngày 7-9 cũng cho biết từ cuối tháng 10 quốc gia này sẽ coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, giống như sốt xuất huyết hay sốt rét. Hồi tuần trước, Bộ Y tế Malaysia thông báo chính phủ sẽ đơn giản hóa một số biện pháp hạn chế khi bước vào giai đoạn mới nhưng sẽ vẫn yêu cầu đeo khẩu trang.
Indonesia và Thái Lan cũng đang định hướng lại chiến lược từ coi COVID-19 là một đại dịch sang một bệnh đặc hữu sau nhiều tháng phong tỏa nhưng chưa thể chấm dứt sự lây nhiễm.
Kể từ ngày 25-9, Hà Lan bắt đầu bãi bỏ quy định về khoảng cách 1,5 m giữa mọi người. Các sự kiện và lễ hội kéo dài nhiều ngày sẽ lại có thể diễn ra trong một số điều kiện nhất định với việc áp dụng giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 và xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.
Tại Bồ Đào Nha, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới và số ca nhiễm mới đã giảm, kể từ ngày 13-9, không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Tuy nhiên, Tổng cục Y tế vẫn khuyến cáo nên đeo khẩu trang trong trường hợp tụ tập đông người hoặc khi không thể tuân thủ giãn cách xã hội.
Chính phủ Nga cũng thông báo nước này sẽ nối lại các chuyến bay chở khách với Tây Ban Nha, Iraq, Kenya và Slovakia từ ngày 21-9, cũng như sẽ tăng số lượng các sân bay được phép có các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Điểm tựa vắc xin
Giới chuyên gia khẳng định sống chung với COVID-19 là một tương lai mà ở đó các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch song song mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế. Để sống chung an toàn với COVID-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vắc xin, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền đảm bảo thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân.
Singapore đang từng bước chuyển sang giai đoạn "sống chung" với COVID-19. Ảnh: AFP |
Theo giới chuyên gia, tình hình hiện tại ở Israel có thể cung cấp những dấu hiệu tích cực về một tương lai sống chung an toàn với COVID-19. Mở cửa kinh tế, nhưng số ca bệnh nặng ở Israel vẫn dưới ngưỡng 1.100 ca/ngày từng được ghi nhận vào thời kỳ đỉnh dịch hồi đầu năm nay. Trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, số ca tử vong cũng ở mức thấp, dao động từ 20 - 30 ca/ngày, chưa bằng một nửa so với hồi tháng 1. Điều này được cho là nhờ tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao.
Với nguồn vắc xin dồi dào, châu Âu cũng kỳ vọng việc tiêm chủng quy mô lớn sẽ là “chìa khóa” để tái mở cửa nền kinh tế và hạn chế các ca bệnh nặng. Những người đã tiêm chủng đủ vắc xin trong vòng 6 tháng tại Đức được cho phép dùng bữa ở nhà hàng, tham gia các buổi họp và di chuyển đến các địa điểm khác nhau mà không cần xét nghiệm nhanh hay cách ly 14 ngày. Hiện tại người dân ở Italy chỉ phải đeo khẩu trang khi đi vào cửa hàng hoặc những nơi công cộng.
Các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận định rằng, COVID-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới trong bối cảnh vi rút SARS-CoV-2 gây ra căn bệnh này vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh thấp trên thế giới. Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng vi rút giống như những vi rút gây đại dịch cúm hay những loại vi rút khác từng ảnh hưởng đến con người.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc