Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị COP26: Nhiều cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường

09:15, 06/11/2021

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) từ ngày 31-10 đến 12-11-2021 là sự kiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tầm quan trọng của nó.

Đến thời điểm này, mặc dù mới diễn ra hơn nửa thời gian song COP26 đã nhận được cam kết mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.

Đáng kể nhất là hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập niên này, thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công - tư đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng. Trong Tuyên bố về sử dụng rừng và đất, các lãnh đạo đại diện cho các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới đã thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng, trong đó 12 quốc gia đã cam kết đóng góp 12 tỷ USD quỹ công trong giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm những nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và ứng phó với cháy rừng. Hơn 30 nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân, trong đó có Aviva (AV.L), Schroders (SDR.L) và AXA (AXAF.PA) cũng cam kết hỗ trợ thêm ít nhất 7,2 tỷ USD cho kế hoạch này. Các nhà đầu tư này cũng cam kết ngừng đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng vào năm 2025.

Mặc dù không phải là một phần trong các cuộc đàm phán chính thức của Liên hiệp quốc, nhưng những cam kết cắt giảm khí methane có thể được xem là một trong những kết quả quan trọng nhất của Hội nghị COP26. Theo đó, gần 90 quốc gia đã tham gia sáng kiến Cam kết cắt giảm khí methane toàn cầu được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng nhằm giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Lãnh đạo các quốc gia chụp ảnh chung tại ngày khai mạc Hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh), tối 1-11-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sáng kiến này được công bố lần đầu tiên vào tháng 9-2021, hiện có sự tham gia của 50% trong số 30 quốc gia phát thải khí methane hàng đầu, chiếm 2/3 nền kinh tế toàn cầu. Trong số các quốc gia ký kết mới tham gia có Brazil - một trong năm quốc gia phát thải khí methane lớn nhất thế giới. Kể từ khi được công bố lần đầu tiên với một số ít các bên ký kết, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực thuyết phục các quốc gia phát thải khí methane lớn nhất thế giới tham gia vào hiệp ước trên. Chỉ trong tuần qua đã có khoảng 60 quốc gia đồng ý tham gia, sau khi Mỹ và EU thúc đẩy nỗ lực ngoại giao vào phút chót trước thềm COP26.

Khí methane là tác nhân lớn thứ hai gây hiệu ứng nhà kính sau khí carbon dioxide (CO2). Việc cắt giảm 30% khí thải methane sẽ do các bên ký kết cùng đạt được và trải rộng trên tất cả các lĩnh vực. Các nguồn phát thải khí methane chính bao gồm cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ, các mỏ than cũ, nông nghiệp và các bãi chôn lấp. Nếu được thực hiện, cam kết có thể sẽ có tác động lớn đến ngành năng lượng, khi các nhà phân tích cho rằng việc cải tạo cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ là cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất để hạn chế phát thải khí methane.

Một cam kết đáng chú ý nữa là hơn 10 quốc gia, trong đó có Đan Mạch, Mỹ cùng ký tuyên bố ủng hộ mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đối với ngành hàng hải trên toàn cầu. Dự kiến, mục tiêu này sẽ được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trong thời gian tới.

Sáng kiến này do Đan Mạch khởi xướng và đưa ra bên lề Hội nghị COP26 nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với mục tiêu của IMO, trong đó xem xét đưa ra các biện pháp mới nhằm cắt giảm khí thải vào hạn chót năm 2023. Phát biểu với báo giới tại COP26, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã hối thúc IMO hành động nhằm đưa ra mục tiêu tham vọng đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Ông cho rằng việc trung hòa carbon ngành vận tải biển góp phần đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Ngoài Đan Mạch và Mỹ, 12 nước gồm Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Honduras, Hungary, Iceland, quần đảo Marshall, Na Uy, Panama và Thụy Điển cũng đã ký tuyên bố chung về lĩnh vực hàng hải. Theo đó, các nước cam kết phối hợp tại IMO nhằm thông qua mục tiêu cho năm 2030 và 2040, đưa ngành hàng hải vào lộ trình khử carbon hoàn toàn vào năm 2050, cũng như thông qua các biện pháp để đạt được những mục tiêu này.

Bên cạnh đó, khoảng 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư trên toàn thế giới đã cam kết sẽ đặt vấn đề hạn chế biến đổi khí hậu làm trọng tâm trong hoạt động của mình. Nhóm các công ty và ngân hàng tham gia cam kết nói trên có tổng giá trị vốn lên tới 130.000 tỷ USD (tương đương 40% vốn toàn cầu). Trong tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ COP26, nhóm các tổ chức tài chính khẳng định sẽ thực hiện một cách công bằng phần trách nhiệm của ngành tài chính trong nỗ lực toàn cầu giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Có thể nói, những cam kết mạnh mẽ mà các quốc gia đưa ra tại COP26 đang tạo ra những kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Vấn đề còn lại là các nước làm sao để tìm ra cách thức cụ thể hoàn thiện những cam kết này…

COP26 được kỳ vọng là cơ hội sau cùng để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tìm cách thúc đẩy các nỗ lực nhằm khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.