Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản

09:58, 25/11/2021

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, chiều 24/11, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ đón, hội đàm và dự chiêu đãi của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Ngài Kishida Fumio được bầu lại làm Thủ tướng Nhật Bản; trân trọng cảm ơn tình cảm đặc biệt và những đóng góp quan trọng của Thủ tướng Kishida Fumio cho sự phát triển của quan hệ hai nước trên nhiều cương vị khác nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời chào, lời thăm hỏi và lời mời sớm thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Việt Nam tới Nhà Vua và Hoàng Hậu, Thủ tướng Kishida và các nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Kishida nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện chuyến thăm chính thức Nhật Bản trên cương vị là khách quý đầu tiên của chính quyền mới Nhật Bản; khẳng định quan hệ hai nước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử; nhấn mạnh đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Trong bầu không khí hữu nghị, thân tình và tin cậy, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất và trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác chiến lược tin cậy, quan trọng và lâu dài.

Trên cơ sở khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, giữ vững cam kết đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ nêu một số đề xuất cụ thể về thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có tăng cường kết nối kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, chuỗi cung ứng, hợp tác đầu tư, thương mại, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, phát triển xanh, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, tiếp nhận thực tập sinh và hỗ trợ nâng cấp các trường đại học Việt Nam….

Thủ tướng Kishida khẳng định hỗ trợ toàn diện Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ bổ sung 1,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đến nay đã hỗ trợ cho Việt Nam tổng cộng 5,6 triệu liều vắc xin và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế khác.

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí việc cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng hiệu quả, thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ trang bị quốc phòng, quân y, an ninh mạng; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển; nhất trí tăng cường phối hợp hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023, xem xét mở lại đường bay thương mại, triển khai Hộ chiếu vắc xin.

Hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thông qua phối hợp chặt chẽ triển khai các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, phát triển đô thị thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường chuỗi cung ứng, triển khai Sáng kiến Chuyển đổi số và Sáng kiến Đối tác hợp tác đổi mới công nghệ và sớm triển khai Sáng kiến Đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp này, hai Thủ tướng nhất trí tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhằm đáp ứng các nhu cầu mới phát sinh, tương xứng với tiềm năng to lớn của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, tập trung vào bốn lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế và chuyển đổi số trên cơ sở ưu đãi, thủ tục tinh giản tối đa và linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Hai Thủ tướng nhất trí hợp tác chặt chẽ để tăng cường và mở rộng tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Thủ tướng Kishida khẳng định cộng đồng người Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế và xã hội Nhật Bản.

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong xử lý các vấn đề liên quan tới thực tập sinh, lưu học sinh Việt Nam.

Hai Thủ tướng giao các cơ quan chức năng của hai nước cùng nhau làm việc để giải quyết việc cải thiện môi trường, điều kiện sinh sống và an sinh xã hội của thực tập sinh và lưu học sinh Việt Nam.

Về vấn đề khu vực và quốc tế, hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, Mekong, Liên hợp quốc… cũng như tăng cường phối hợp đối phó với các thách thức chung của cộng đồng quốc tế như biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, vấn đề phụ nữ và trẻ em…; phối hợp chặt chẽ triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có hiệu lực pháp lý.

Sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp hai nước ký kết, trao đổi 11 văn kiện, bao gồm: Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản; Công hàm trao đổi cho khoản vay Nhật Bản lần thứ tư của Dự án “Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, lưu vực Tòa Hũ - Bến Nghé - Đội Tẻ, giai đoạn hai; Công hàm trao đổi phi dự án “Trang thiết bị chuyên dùng 1 vận tải phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải;” Kế hoạch hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 giữa Bộ Tài Nguyên - Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài Nguyên - Môi trường Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng Giao thông và Du lịch Nhật Bản trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, khí tượng và thông tin địa lý; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân y giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng Nhật Bản; Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản về hợp tác an ninh mạng; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Việt Nam và Công ty Dược phẩm Shinogi Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản JBIC; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền tỉnh Wakayama, Nhật Bản; và Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam và Hiệp hội Toàn quốc về hỗ trợ và phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản.

Sau lễ ký kết, trao đổi văn kiện, hai Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ báo chí chung, thông báo những kết quả chính trong cuộc hội đàm, nhấn mạnh việc hai bên nhất trí cùng nhau phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới, đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, phát huy những thế mạnh bổ sung cho nhau, quan tâm thúc đẩy triển khai những dự án lớn, cụ thể, đồng thời hợp tác chặt chẽ, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế.

Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.