Multimedia Đọc Báo in

Giáng sinh và năm mới ảm đạm trước “bóng ma” Omicron

07:22, 25/12/2021

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra khuyến cáo đề nghị người dân các nước cần hạn chế tổ chức các sự kiện tụ tập đông người giữa lúc biến thể Omicron đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với nỗ lực khống chế đại dịch trên toàn cầu.

Nhiều nước siết chặt các biện pháp phòng dịch

Nhấn mạnh 2022 phải là năm thế giới chấm dứt đại dịch, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi công dân toàn cầu tạm ngừng các buổi tụ tập ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. Hiện nay biến thể Omicron đã xuất hiện ở trên 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thông qua quá trình giải mã các ca nhiễm mới trong 2 tháng kể từ ngày 20/10 đến nay, biến thể Omicron chiếm khoảng 1,6% tổng số các ca nhiễm. Mặc dù chưa đủ bằng chứng y khoa xác định mức độ nguy hiểm so với biến chủng Delta thống trị hiện nay, song WHO cảnh báo rủi ro tổng thể liên quan đến biến thể đáng lo ngại Omicron vẫn rất cao.

Biến thể Omicron khiến nhiều quốc gia trên thế giới đang xem xét siết chặt các biện pháp phòng dịch trong thời điểm lễ Giáng sinh và năm mới cận kề.

Tại Mỹ - quốc gia nơi Omicron đã trở thành biến thể thống trị, thành phố Los Angeles vừa quyết định hủy bỏ tổ chức tiệc đón giao thừa. Giới chức thành phố New York cũng đang xem xét quyết định tương tự đối với tiệc đêm giao thừa nổi tiếng ở Quảng trường Thời đại.

Trong bối cảnh WHO cảnh báo châu Âu đang đối mặt với “cơn bão mới” do Omicron, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đang xem xét mọi khả năng nhằm kiểm soát biến thể mới này khi dịp lễ cuối năm đang tới gần.

Từ nay cho đến trước đêm giao thừa, một trong các quy định mới để kiểm soát dịch bệnh tại Đức là giới hạn các cuộc gặp ở mức tối đa 10 người, áp dụng cả đối với người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Các quy định về việc đóng cửa hộp đêm và vũ trường được thống nhất tại nhiều bang, trong khi chiến dịch tiêm chủng liều tăng cường cũng đang được đẩy mạnh. Đặc biệt, một lệnh giới nghiêm sẽ được thực thi từ 1 giờ vào ngày đầu tiên của năm mới. Chính phủ Đức tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin, không chỉ tiêm mũi tăng cường mà cả những người chưa tiêm mũi đầu tiên. Chính phủ Đức đặt ra mục tiêu tiêm chủng 80% cho toàn dân và thực hiện 30 triệu mũi tiêm nhắc lại vào cuối tháng 1 năm sau.

Tại châu Đại dương, New Zealand thông báo hoãn kế hoạch mở cửa biên giới đến hết tháng 2/2022. Chính phủ nhiều nước châu Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan… cũng nhanh chóng siết chặt hạn chế nhập cảnh cũng như các quy định cách ly nhằm kiểm soát đà lây lan cũng như ngăn chặn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh mới.

Ma-rốc là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Phi sớm công bố lệnh cấm tổ chức sự kiện đón giao thừa nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng các ca mắc mới COVID-19.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 từ 6 tháng xuống gần nhất là 3 tháng. Thậm chí Israel vừa tuyên bố kế hoạch sẽ sớm triển khai tiêm mũi vắc xin thứ 4  cho người cao tuổi, nhân viên y tế.

Nhiều nước châu Âu áp đặt trở lại các biện pháp  phòng, chống dịch COVID-19 dịp Giáng sinh  và năm mới.

Omicron phủ “bóng đen” lên đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Khi người dân Mỹ và châu Âu đang háo hức chờ đợi mùa nghỉ lễ bình thường nhất trong 2 năm qua, biến thể Omicron xuất hiện kéo theo vòng xoáy lo ngại và bất ổn mới với các hoạt động du lịch, mua sắm, lễ hội và cả nền kinh tế nói chung.

Cảm giác lo ngại khi Omicron lây lan và được dự báo sẽ sớm trở thành biến thể thống trị ở Mỹ khiến một số người dân và doanh nghiệp không muốn trở lại hoạt động như thường lệ. Tại các thành phố lớn như New York và Chicago, lượng khách tới các cửa hàng đồ may mặc Untuckit giảm 15%, tương tự như những gì đã từng xảy ra khi biến thể Delta bắt đầu lan rộng vào mùa hè năm 2020.

 

COVID-19 và các lần lặp lại đột biến của nó sẽ tồn tại cùng chúng ta trong một thời gian và có thể là mãi mãi.

Lo ngại trước những bất ổn và các kịch bản tồi tệ nhất, các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đã chứng kiến các nhà đầu tư bán tháo trong 3 ngày trước khi phục hồi vào ngày 21/12.

Một trong những lo ngại hiện nay là sự lây lan biến thể Omicron sẽ tiếp tục làm gián đoạn quá trình sản xuất và vận chuyển, làm trầm trọng thêm tình trạng tồn đọng, đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến lạm phát tiếp tục gia tăng. Nó cũng có thể làm tăng nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Ở giai đoạn này, việc đánh giá tác động kinh tế vĩ mô của biến thể Omicron gần như là không thể, chỉ có điều chắc chắn là nó làm tăng thêm rủi ro đình trệ trong nền kinh tế thế giới.

Tại một cuộc họp báo mới đây ở Nhà Trắng, khi được hỏi liệu COVID-19 có bao giờ bị đánh bại hay không, tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ - đã trả lời: "Sẽ rất khó khăn - ít nhất là trong tương lai gần, và có thể là không bao giờ - để loại bỏ thực sự vi rút có khả năng lây truyền cao này".

Những gì ông Fauci nói có thể là tin buồn đối với nhiều người. Nhưng ông chỉ nhắc lại những gì mà các nhà dịch tễ học và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã nhấn mạnh: COVID-19 và các lần lặp lại đột biến của nó sẽ tồn tại cùng chúng ta trong một thời gian và có thể là mãi mãi. Và nền kinh tế thế giới phải chấp nhận và thích nghi với thực tế này.

Hồng Hà

(Theo Vietnam+, VOV)


Ý kiến bạn đọc