Multimedia Đọc Báo in

Năng lực sản xuất suy yếu của OPEC+ có thể đẩy giá dầu vượt 100 USD/thùng

15:25, 25/01/2022

Thị trường nhanh chóng nhận thấy rằng nhiều nước thành viên OPEC+ không có đủ năng lực để tăng sản lượng dầu khai thác.

Trong bối cảnh các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đảo ngược chính sách cắt giảm sản lượng, thị trường dầu mỏ sớm nhận ra một thực tế: Nhiều thành viên trong khối không đủ năng lực để tăng sản lượng thêm nữa, số có thể tăng bơm thêm dầu ra thị trường lại phải đối diện với công suất dư thừa suy giảm. Hệ quả là thị trường rơi vào trạng thái mất cân bằng vì nguy cơ đứt gãy nguồn cung, đẩy giá dầu tiếp tục leo thang.

Công suất dư thừa, hay sản lượng tiềm năng còn dư, của ngành dầu khí chủ yếu nằm trong tay của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), hai thành viên chủ chốt của OPEC. Hai nước  này có tiềm năng gia tăng sản lượng khi OPEC+ theo đuổi kế hoạch nâng lượng dầu cung ứng ra thị trường. Nhưng làm vậy đồng nghĩa với việc công suất dư thừa sẽ lại suy giảm.

Theo Cục thông tin Năng lượng Mỹ (USEIA), công suất dư thừa là tổng sản lượng dầu có thể bắt tay vào khai thác ngay sau 30 ngày với thời hạn khai thác ít nhất là 90 ngày. Công suất dư thừa thấp có thể sẽ tạo tiền đề để giá dầu tăng kéo dài, bởi vì thế giới sẽ mất đi “vùng đệm” sản lượng sẵn sàng bung ra khi nguồn cung bất ngờ đứt gãy, nhân tố gây lo ngại lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Vấn đề của OPEC+ nằm ở chỗ chỉ có một số ít nhà sản xuất có thể vừa giữ công suất dự trữ, vừa tăng sản lượng khai thác. Đó đều là những nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, tập trung ở vùng Vịnh, như Saudi Arabia, UAE và ở chừng mực nào đó là Kuwait, Iraq. Iran cũng có sẵn tiềm năng bung thêm 1 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường, nhưng chỉ với điều kiện đàm phán hạt nhân thành công, đưa đến việc Mỹ dỡ cấm vận dầu mỏ chống Tehran, điều còn xa mới thành hiện thực.

Hoạt động khai thác dầu mỏ tại UAE. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Hoạt động khai thác dầu mỏ tại UAE. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Khi mà nguồn cung Iran chưa được tính đến, việc tăng sản lượng nhưng đồng thời giữ được công suất còn dư sẽ chủ yếu phụ thuộc vào các nước Arab vùng Vịnh. Hơn nữa, năng lực còn dư này lại không đồng đều giữa các nhà sản xuất có khả năng cung dầu ra thị trường. Bởi giới hạn của năng lực dư thừa là điều chưa từng được kiểm nghiệm, ngay cả với Saudi Arabia.

Đương nhiên, Mỹ, Canada hay Brazil – những nước đứng bên ngoài OPEC+, được dự báo sẽ tăng sản lượng trong năm nay, khi giá dầu tăng kích thích mong mỏi tìm kiếm lợi nhuận của các nhà sản xuất. Thế nhưng, đối với dầu đá phiến tại Mỹ, kỉ luật tài chính vẫn là một nhân tố chi phối chủ chốt, vì thể mức tăng sản lượng hàng năm sẽ khó lòng vượt khỏi giai đoạn 2018 - 2019.

Với cầu tiêu thụ được dự báo sớm quay vượt lên mức tiền đại dịch COVID-19 cộng với công suất dư thừa ở mức thấp, đầu tư cho thượng nguồn (các dự án thăm dò, khai thác mới) suy yếu trong vài năm trở lại đây, giá dầu đứng trước viễn cảnh tiếp tục đà tăng giá. Theo đánh giá của Bloomberg, đến thời điểm tháng 7/2022, sản lượng tiềm năng còn dư của OPEC+ dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 2,3 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2018.

Nga, một nhân tố chủ chốt trong OPEC+, đang phải vật lộn với kế hoạch tăng sản lượng theo đúng quota được cấp và tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới. Giới phân tích nhận định Nga chỉ có thể tăng mức sản lượng thêm 60.000 thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2022, mức tăng chỉ bằng 50% so với lượng quota được cấp theo thỏa thuận tăng sản lượng của OPEC+.

Nguy cơ mất cân bằng cung cầu trên thị trường khiến giới phân tích nhận định giá dầu có thể sớm cán mốc “ba con số” (trên 100 USD/thùng), có thể là ngay trong quý 2 năm 2022. Bank of America (BoA) cùng với nhiều định chế tài chính lớn ở phố Wall dự đoán sản lượng tiềm năng suy giảm cùng với việc nhiều thành viên OPEC+ không thể nâng năng lực khai thác như dự kiến sẽ sớm đẩy giá dầu đạt mức 100 USD/thùng.

Báo cáo của Goldman Sachs hồi tuần qua nhận định giá dầu sẽ đạt mốc 100 USD/thùng trong năm nay và lên mức 105 USD/thùng trong năm tới, khi mà những lo ngại về Omicron đối với hoạt động kinh tế không còn mạnh. JP Morgan thậm chí còn đưa ra đánh giá lạc quan hơn với giá dầu, khi cho rằng “vàng đen” sẽ cán mốc 125 USD/thùng trong năm nay và 150 USD/thùng trong năm 2023.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.