“Nóng” căng thẳng Nga - phương Tây
Sau các cuộc đàm phán bế tắc ở Vienna (Áo) và Brussels (Bỉ), châu Âu đã trở thành “điểm nóng” về an ninh khi Nga và phương Tây không ngừng răn đe quân sự lẫn nhau. Trước nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang tiềm ẩn, các bên đều phát đi tín hiệu đã sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Căng thẳng gia tăng
Vài giờ sau khi Nga triển khai quân đội tới Belarus để chuẩn bị cho các cuộc tập trận chung dự kiến vào đầu tháng 2, Anh cũng bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cả Nga và Anh đều khẳng định, mục đích là nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó của các đồng minh trước bất kỳ cuộc tấn công quân sự tiềm tàng này.
Những động thái này đã làm gia tăng hơn nữa bầu không khí căng thẳng bao trùm tại châu Âu. Dù vẫn để ngỏ các giải pháp ngoại giao, song giới chức Nga cũng cảnh báo về những "giới hạn đỏ" và ngầm cảnh báo, một khi phương Tây tiếp tục phớt lờ những lo ngại an ninh của Moskva, nước này có thể sẽ chuyển hướng sang các lợi ích an ninh mà hệ quả là cả Mỹ và châu Âu sẽ phải gánh chịu tổn thất lớn.
Trước đó, cả 3 lần tiếp xúc, gồm cuộc tham vấn an ninh Nga - Mỹ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10/1, cuộc họp Hội đồng Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau đó hai ngày tại Brussels (Bỉ) và cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo) chiều 13/1 đều chưa thể giúp Nga và phương Tây thu hẹp những khác biệt đang khiến quan hệ giữa hai bên rơi xuống mức “cực kỳ thấp”.
Thực tế đã cho thấy các bên đều duy trì lập trường cứng rắn nhằm bảo vệ lợi ích riêng, từ đó phơi bày những bất đồng về hàng loạt vấn đề then chốt trong hai dự thảo thỏa thuận an ninh mà Moskva đã đưa ra trước đó.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp giữa Hội đồng NATO và Nga tại Brussels, Bỉ ngày 12/1/2022. |
Mỹ và các nước NATO đều bác bỏ đề xuất chủ chốt của Nga về việc NATO không tiếp tục mở rộng về phía Đông, đặc biệt là cam kết không kết nạp Ukraine, vốn được Moskva coi là "lằn ranh đỏ". Về phía Nga, Moskva cũng bác bỏ yêu cầu từ Mỹ và NATO đòi Nga phải rút các binh sĩ đang triển khai ở vùng lãnh thổ giáp biên giới với Ukraine mà phương Tây cho rằng đồng nghĩa với những ý định tiến hành một cuộc tấn công quân sự.
Trong bối cảnh đàm phán lâm vào bế tắc, Hội đồng châu Âu ngày 13/1 đã quyết định kéo dài thêm 6 tháng, cho đến ngày 31/7 tới, các biện pháp trừng phạt Nga, vốn được áp đặt từ năm 2014 sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tại Mỹ, các nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện đã trình dự luật trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo đất nước và quân đội Nga, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin, nếu Moskva có hành động quân sự đối với Ukraine.
Giới chuyên gia nhận định dù chưa thể hóa giải được bất đồng trong những vấn đề cốt lõi, nhưng việc các quan chức Nga và phương Tây có thể cùng ngồi lại bàn đàm phán phần nào cũng đã giúp các bên hiểu hơn về quan điểm, lập trường của nhau và tránh những bước đi sai lầm. |
Nga cũng thể hiện lập trường cứng rắn. Trưởng phái bộ Nga tại OCSE, Đại sứ Alexander Lukashevich khẳng định Moskva sẽ hành động để đảm bảo cân bằng chiến lược và loại bỏ các mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia nếu nước này không nhận được "phản ứng mang tính xây dựng" từ phương Tây đối với các đề xuất đảm bảo an ninh và nếu hành vi gây hấn nhằm vào Nga tiếp tục. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grushko nhấn mạnh Moskva sẽ buộc phải triển khai các biện pháp quân sự để vô hiệu hóa các mối đe dọa an ninh nếu chính sách ngoại giao là chưa đủ, nếu phương Tây tiếp tục “phớt lờ” những đề xuất an ninh của Nga để gây ra những “sự cố và xung đột”. Trong trường hợp Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố động thái này sẽ tương đương với việc cắt đứt quan hệ.
Tăng cường nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt
Tuy nhiên, việc cả Nga và phương Tây đều thể hiện sẵn sàng tiếp tục đối thoại, nhấn mạnh tầm quan trọng của con đường ngoại giao trong giải quyết mâu thuẫn, vẫn mở ra "khe cửa hẹp" trong mối quan hệ Đông - Tây căng thẳng này.
Trong hai ngày 17 - 18/1, tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã đến thăm Ukraine và Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời đưa các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine trở lại định dạng Normandy, vốn bị đình trệ từ năm 2019. Phát biểu tại thủ đô Moskva, bà Annalena Baerbock khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ sự leo thang nào hơn nữa.
Mỹ và NATO cũng đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/1 thực hiện chuyến công du tới Ukraine và Đức, đồng thời lên kế hoạch một cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tuần tới. Mục đích là nhằm thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề an ninh của Ukraine, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực chung khuyến khích các bên lựa chọn giải pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã mời Nga và các nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo sau vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức ở Brussels. Tổng Thư ký Stoltenberg khẳng định NATO sẵn sàng đưa ra đề xuất bằng văn bản và nỗ lực hướng tới những kết quả mang tính xây dựng tại Hội đồng Nga - NATO.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố đối thoại vẫn được tiếp tục trên các mặt trận khác nhau. Đại sứ Nga tại NATO Lukashevich khẳng định Moskva không từ bỏ biện pháp ngoại giao và thậm chí còn tăng cường thúc đẩy giải pháp này.
Hồng Hà
(Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc