Multimedia Đọc Báo in

Các giải pháp trù bị của châu Âu nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt

17:37, 15/02/2022

Giá cả tăng vọt đang khiến hàng triệu người châu Âu rơi vào cảnh “nghèo đói” về năng lượng. Ngoài ra căng thẳng về Nga, Ukraine cũng khiến châu Âu lo ngại Moskva sẽ cắt nguồn cung khí đốt. Những vấn đề này khiến châu Âu phải tìm biện pháp dự phòng.

Kênh CNN (Mỹ) đánh giá đây không phải lần đầu tiên việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga lại gây ra vấn đề. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, châu Âu đã có phản ứng bằng việc tìm khí đốt ở nơi khác. Tuy nhiên, phương án này đã không hiệu quả ở thời điểm đó.

Năm 2013, khoảng 27% khí đốt châu Âu sử dụng là nhập khẩu từ Nga. Nhưng 9 năm sau, thay vì giảm phụ thuộc vào Nga, châu Âu lại càng dựa vào khí đốt của Moska. Hiện nay khoảng 38% nguồn cung khí đốt của châu Âu là xuất phát từ Nga.

Ủy viên cấp cao phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với Azerbaijan và Qatar nhằm đẩy mạnh nguồn cung khí đốt. Cùng thời điểm, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nỗ lực “giải cứu” châu Âu bằng cách thúc đẩy kế hoạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên.

Một nhân viên đứng trước các đường ống thuộc cơ sở của Dòng chảy phương Bắc 2 tại Sassnitz (Đức) năm 2017. Ảnh: Getty Images)
Một nhân viên đứng trước các đường ống thuộc cơ sở của Dòng chảy phương Bắc 2 tại Sassnitz (Đức) năm 2017. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Về mức độ thực tiễn, khó có khả năng Mỹ và các đồng minh thay thế khí đốt của Nga tại châu Âu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nghiên cứu gần đây do Viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ) thực hiện đã kết luận rằng trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn, EU sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt và phải cùng nhau cắt giảm sử dụng khí đốt.

Ngay cả khi khí đốt Mỹ có thể “đặt chân” đến châu Âu thì đây cũng không phải giải pháp dài hạn. Chính sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt, bất kể nguồn gốc từ đâu, khiến lục địa này dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường khí đốt toàn cầu.

"Cơn khát" khí đốt của châu Âu sẽ tác động đến tương lai của toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá nếu muốn duy trì mức ấm lên toàn cầu ở 1,5 độ C thì toàn thế giới cần ngưng tăng công suất khai thác khí đốt.

Tại EU, khí đốt đang vượt qua than đá về lượng khí thải carbon. Theo phân tích của Ủy ban châu Âu, “lục địa già” đến năm 2050 cần loại bỏ khí hóa thạch để duy trì mức độ ấm lên toàn cầu là 1,5 độ C. Dựa trên dữ liệu từ tổ chức Global Carbon Project, trong giai đoạn từ 2016 - 2019, khí hóa thạch “chịu trách nhiệm” trong hơn một nửa lượng carbon dioxide thải ra trên toàn cầu.

Không chỉ có căng thẳng địa chính trị hoặc khí hậu là nguyên nhân dẫn đến lo ngại về “cơn nghiện khí đốt” của châu Âu. Giá khí đốt tăng mạnh trong thời gian qua đã buộc các hộ gia đình khắp châu Âu rơi vào cảnh phải lựa chọn giữa sưởi ấm và thực phẩm.

Sưởi ấm bằng lò đốt gỗ gần thủ đô Sofia, Bulgaria. Ảnh: AP
Sưởi ấm bằng lò đốt gỗ gần thủ đô Sofia, Bulgaria. (Ảnh: AP/TTXVN)

Trong khi các hộ gia đình chật vật thì các công ty năng lượng lại hưởng lợi. Shell gần đây tuyên bố công ty ghi nhận mức lợi nhuận trong quý 4 cao nhất một thập niên qua và riêng năm 2021 thu về lợi nhuận 20 tỷ USD. ExxonMobil và Chevron kết hợp lại ghi nhận mức lợi nhuận 38,6 tỷ USD năm 2021. Nhiều chính trị gia châu Âu cho rằng ngành công nghiệp khí đốt đóng vai trò quan trọng với thị trường việc làm và tăng trưởng tại nước họ ngay cả khi lĩnh vực năng lượng tái tạo đóng góp đáng kể cho kinh tế và mang nhiều tiềm năng.

Vào tháng 12, Ủy ban châu Âu công bố đề xuất để cải tổ thị trường khí đốt châu lục. Cơ quan này cho rằng cơ sở hạ tầng khí hóa thạch - như đường ống - có thể được sử dụng với các chất thay thế bằng công nghệ mới như hydrogen. Nhưng phương án này được cho không tạo nhiều thay đổi bởi ngay cả hydrogen cũng được sản xuất bằng sử dụng khí hóa thạch.

Một phương án khác đòi hỏi thay đổi đáng kể đang được tổ chức phi chính phủ Climate Action Network Europe và Cơ quan môi trường châu Âu lên mô hình cho thấy việc sử dụng khí hóa thạch có thể chấm dứt vào năm 2035. Điều này đòi hỏi cải tiến sâu rộng các công trình, đẩy mạnh triển khai công nghệ điện tái tạo, điện khí hóa vận tải và hệ thống sưởi tại châu Âu.

Bên cạnh đó là đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Cải tạo các tòa nhà theo quy mô lớn để cách nhiệt, sử dụng các giải pháp sưởi ấm thân thiện môi trường như máy bơm nhiệt và địa nhiệt.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.