Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia áp đặt trừng phạt Nga
Ngày 22/2, Mỹ công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga sau khi Moskva chính thức công nhận độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Theo các hãng tin AFP (Pháp) và Tass (Nga), trong tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo "đợt trừng phạt đầu tiên” nhằm vào các thể chế tài chính của Nga và "giới tinh hoa" trong lĩnh vực này. Ông nêu rõ các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 23/2, được đưa ra có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ. Trong số những thể chế tài chính lớn bị áp đặt trừng phạt có Ngân hàng Quân đội của Nga. Ông Biden cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí “phòng thủ” cho Ukraine và triển khai quân đội nhằm tăng cường sức mạnh cho các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ở Đông Âu. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh "vẫn còn thời gian để ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất" thông qua con đường ngoại giao.
Trước đó cùng ngày, ông Biden đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đang ở thăm Washington nhằm “tái khẳng định” sự ủng hộ đối với Kiev trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Kuleba, trong đó khẳng định Washington sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Kiev và các đồng minh trong tiến trình hạ nhiệt căng thẳng.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, Anh thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga, động thái mà Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi là "đòn tấn công đầu tiên" nhằm vào Moskva liên quan vấn đề Ukraine. Các ngân hàng Nga mà Anh tuyên bố trừng phạt gồm Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank, cùng 3 tỷ phú Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg sẽ bị đóng băng toàn bộ tài sản tại Anh. Bên cạnh đó, các tỷ phú này sẽ bị cấm đến Anh. Mọi cá nhân và thực thể tại Anh không được phép giao dịch với các tỷ phú này cũng như các ngân hàng bị trừng phạt.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov được lên lịch trong tuần này. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng thông báo hủy lời mời gặp mặt với người đồng cấp Nga Lavrov.
Sáng 23/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng công bố các biện pháp trừng phạt Nga sau khi Moskva công nhận độc lập của DPR và LPR. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Kishida nêu rõ Nhật Bản sẽ đình chỉ việc cấp thị thực và đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan các khu vực ly khai của Ukraine. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ áp đặt lệnh cấm thương mại đối với các khu vực này.
Australia cùng ngày cũng thông báo áp đặt trừng phạt Nga liên quan vấn đề trên.
Ngày 21/2, Tổng thống Putin tuyên bố Nga công nhận chủ quyền của DPR và LPR, đồng thời chỉ thị Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga điều binh sĩ đến làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại hai khu vực trên. Tổng thống Putin nhấn mạnh ưu tiên của Moskva là “không đối đầu, nhưng phải đảm bảo an ninh”.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc