Multimedia Đọc Báo in

Đằng sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Đức trong bối cảnh bất ổn địa chính trị

17:39, 28/04/2022

Đức và Nhật Bản tìm cách tăng cường mối quan hệ trong chuyến thăm tới Tokyo của Thủ tướng Olaf Scholz. Các nhà phân tích cho rằng Berlin và Tokyo đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về địa chính trị và quốc phòng tương tự nhau.

Theo báo Deutsche Welle (Đức), Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu chuyến thăm đầu tiên của mình tới Nhật Bản và quan hệ với Tokyo càng có ý nghĩa hơn khi các thách thức địa chính trị đang gia tăng từ Nga tới Trung Quốc.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Nhật Bản hôm 27/4 trong chuyến thăm 2 ngày để gặp người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. Theo kế hoạch, ông sẽ phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tổ chức tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, với cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra và một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, các vấn đề an ninh được cho là sẽ chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của chuyến thăm đầu tiên mà Thủ tướng Đức thực hiện tới châu Á.

Thủ tướng Đức Scholz và người đồng cấp Nhật Kishida gặp nhau tại cuộc họp của nhóm G7 ở Brussels ngày 24/3/2022. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Scholz và người đồng cấp Nhật Kishida gặp nhau tại cuộc họp của nhóm G7 ở Brussels ngày 24/3/2022. Ảnh: AP/TTXVN

Ông Scholz dự kiến nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Nhật Bản đối với Đức và Berlin sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hướng về châu Á, bất chấp những thách thức đang nổi lên ở châu Âu.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng hai nhà lãnh đạo đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về địa chính trị và quốc phòng tương tự nhau.  

Điểm tương đồng về Nga 

Tokyo và Berlin đều phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moskva, mặc dù chính phủ hai nước đã từ chối cấm năng lượng Nga.

Nhật Bản đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự, bao gồm: mũ, áo giáp chống đạn và một lượng lớn vật tư y tế, nhưng tuyên bố rằng họ không thể chuyển giao vũ khí. Tương tự, khi xung đột bắt đầu, Đức chỉ đề nghị hỗ trợ phi sát thương cho Ukraine.

Tuy nhiên, Berlin mới đây đã đảo ngược nguyên tắc chính sách đối ngoại chính là không giao vũ khí cho các khu vực xung đột, thông báo sẽ giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. 

Nhật Bản muốn sự hỗ trợ của Đức về Trung Quốc

Mặc dù cuộc xung đột Nga - Ukraine đang gây ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị ở châu Âu, nhưng ở châu Á, các chính sách của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương được (các nước phương Tây) coi là một thách thức thậm chí còn lớn hơn đối với trật tự toàn cầu.

"Nhật Bản rất lo ngại về tình hình ở Ukraine, nhưng về lâu dài mối đe dọa đối với Tokyo đến từ Trung Quốc và Thủ tướng Kishida hy vọng sẽ sử dụng chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Đức để củng cố lập trường của Nhật Bản về sự cần thiết của tất cả các quốc gia tuân theo pháp quyền, cũng như một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở", Mieko Nakabayashi, một cựu chính trị gia của Đảng Dân chủ đối lập của Nhật Ban, nói.

Theo bà Nakabayashi, Nhật Bản đánh giá cao quyết định của Berlin về việc cử tàu khu trục nhỏ Bayern của Đức thăm Nhật Bản vào tháng 5 năm ngoái.

Đó là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến Đức sau 20 năm. Tàu Bayern đã tham gia một loạt các cuộc tập trận với các đơn vị hàng hải và hải quân Nhật Bản, với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi khi đó tuyên bố rằng việc triển khai là một minh chứng quan trọng cho mối quan hệ an ninh gắn bó giữa hai lực lượng và hai quốc gia.  

Tàu chiến Đức thăm cảng Nhật Bản. Ảnh: DPA
Tàu chiến Đức thăm cảng Nhật Bản. Ảnh: DPA/TTXVN

Chính phủ Đức cũng đã lần đầu tiên công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2019 dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel. Kể từ đó, Đức đã và đang thể hiện sự hiện diện ngày càng tăng ở khu vực này.

"Nhật Bản rất mong muốn sự đoàn kết và hỗ trợ của Đức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sau khi Đức cử tàu chiến tới Nhật Bản vào năm ngoái, tôi nghĩ rất có thể Thủ tướng Kishida sẽ đề nghị sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của Đức", Patrick Hein, Giảng viên về khoa học chính trị tại Đại học Tokyo nhận định.  

Chính sách đối ngoại quyết đoán hơn?

Kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ và Trung Quốc là mối lo ngại luôn hiện hữu, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và phát triển các năng lực mới trong không gian chiến tranh mạng, cũng như nâng cao các năng lực chiến đấu thông thường khác.  

Ông Hein cho biết Tokyo cũng đang tăng cường giới tuyến vững chắc ở vùng lãnh thổ phía Bắc, chuỗi đảo ngoài khơi cực bắc của Nhật Bản đã bị lực lượng Liên Xô chiếm giữ vào năm 1945.

Theo ông Hein, hai chính phủ Nga và Nhật đã không trao đổi ngoại giao về chủ quyền lãnh thổ và có thể một nước Nga suy yếu về kinh tế cũng như bị cô lập về mặt ngoại giao trong tương lai có thể cởi mở hơn trong việc đàm phán về quyền sở hữu quần đảo này.

Thủ tướng Kishida cũng đã bắt đầu một lịch trình ngoại giao đầy tham vọng khi ông tìm cách định vị Nhật Bản như là trung tâm của các cuộc thảo luận về Ukraine, Trung Quốc và Triều Tiên.

Cùng với việc tiếp đón Thủ tướng Scholz, nhà lãnh đạo Nhật Bản gần đây đã có cuộc gặp tại Tokyo với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ahern và Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis.  

Ông Kishida cũng dự kiến thăm Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong những tuần tới trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Tokyo để tham dự cuộc họp cấp nguyên thủ của Diễn đàn Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad). 

Norihide Miyoshi, cựu phóng viên người Đức của nhật báo lớn nhất Nhật Bản, Yomiuri Shimbun, cho biết: “Đức là một trong những đối tác tin cậy hiếm hoi của Nhật Bản trên thế giới. Sự phối hợp và hợp tác với Đức là rất quan trọng đối với Nhật Bản để đối phó với Nga và Trung Quốc".

Ông Miyoshi nhấn mạnh rằng chuyến thăm là một cơ hội tốt để tìm hiểu quan điểm của ông Scholz trong bối cảnh hình ảnh của Đức tại Nhật Bản vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi cựu Thủ tướng Angela Merkel, người được đánh giá cao là một chính trị gia "có năng lực và có ảnh hưởng".

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.