Liên minh châu Âu nối lại hoạt động ngoại giao tại Ukraine
Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Ukraine ngày 11/4 cho biết phái đoàn này đã nối lại hoạt động ở Kiev.
EU đã sơ tán phái đoàn ngoại giao của liên minh này từ Kiev sang thành phố Rzeszow của Ba Lan ngay sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine hồi cuối tháng Hai.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã có chuyến thăm Ukraine nhằm đẩy nhanh quy trình đưa nước này gia nhập EU.
Cũng trong ngày 11/4, trong cuộc họp ở Luxembourg, ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga nhưng các bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Hầu hết các bộ trưởng đều đề nghị các biện pháp trừng phạt tối đa đối với Nga với việc ngừng mua dầu và khí đốt của quốc gia này. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được gói trừng phạt mới thì cần phải có sự thống nhất trong toàn liên minh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (giữa) và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell thăm thị trấn Bucha, phía tây bắc thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 8/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng điều này rất khó bởi một số nước như: Đức, Áo, Italy hay Hungary vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga để vận hành nền kinh tế.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này đang giảm dần nhiên liệu hóa thạch nhưng để loại bỏ hoàn toàn thì cần phải có thời gian.
EU đã thông qua 5 gói trừng phạt đối với Nga, trong đó có lệnh cấm vận đối với than đá của Nga đều đã được 27 nước nhất trí thông qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ chối gia tăng thêm các biện pháp chống lại Moskva.
Tại cuộc họp, các bộ trưởng cũng thông qua việc giải ngân thêm 500 triệu euro để tiếp tục tài trợ cho Kiev. Trước đó, 27 quốc gia EU đã chấp thuận hỗ trợ cho Ukraine 1 tỷ euro.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết cơ quan này đã mở một chiến dịch mang tên Oscar nhằm vào tài sản của các cá nhân cũng như doanh nghiệp Nga trong danh sách trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Chiến dịch này có sự tham gia của các nước thành viên EU cũng như Cơ quan tư pháp châu Âu (Eurojust) và Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex).
Trong một tuyên bố, Europol cho biết chiến dịch Oscar sẽ tạo điều kiện cho các đối tác trao đổi thông tin và hỗ trợ hành động trong một số cuộc điều tra tài chính nhằm vào các tài sản tình nghi và hành vi "lách" các lệnh trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga.
Dự kiến, chiến dịch Oscar sẽ kéo dài ít nhất 1 năm và sẽ có một số cuộc điều tra riêng biệt.
Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc