Multimedia Đọc Báo in

Những tác động lớn từ căng thẳng Nga – Ukraine

08:31, 09/04/2022

Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn giữa phương Tây và Nga. Các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau vẫn tiếp tục được tung ra và tác động của nó đã ảnh hưởng đến cả toàn cầu.

Thậm chí, ngày càng nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng căng thẳng Nga - Ukraine chính là một “phép thử phi toàn cầu hóa”, có thể là bước ngoặt trong sự phát triển của trật tự thế giới.

Ngày 5/4 vừa qua, các Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Liên minh châu Âu đã họp thảo luận về việc thực thi các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga, về hiệu quả của các lệnh trừng phạt này và về các cách thức né tránh trừng phạt từ phía Nga hay một số đối tác của Nga.

Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã thông báo cho biết phía châu Âu sẽ tung ra một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm cấm việc nhập khẩu than đá từ Nga trị giá mỗi năm khoảng 4 tỷ euro; cấm các tàu hàng Nga tiếp cận cảng biển thuộc các nước EU, cấm xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao như máy tính lượng tử, chíp bán dẫn, máy móc công nghiệp trị giá khoảng 10 tỷ euro mỗi năm sang Nga.

Châu Âu cũng có thể sẽ cấm nhập các sản phẩm khác như gỗ, hải sản, rượu trị giá 5,5 tỷ euro mỗi năm từ Nga. Đồng thời, châu Âu cũng sẽ mở rộng trừng phạt đối với 4 ngân hàng lớn của Nga và đưa thêm nhiều cá nhân quốc tịch Nga vào danh sách đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào EU.

Trước đó, các nước phương Tây đã tung một số “đòn chí mạng” với nền kinh tế Nga: thứ nhất là cấm một số ngân hàng Nga truy cập hệ thống thanh toán quốc tế của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), khiến hệ thống tài chính Nga mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế.

Thứ hai là việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) ở các nước phương Tây khiến ngân hàng này không thể có được vị thế đồng đô la cần thiết trên thị trường ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng ruble, khiến tỷ giá đồng tiền giảm mạnh, buộc BOR khẩn cấp nâng lãi suất lên mức hai chữ số, đồng thời khiến việc giao dịch bằng đồng đô la Mỹ của người dân Nga và dòng tiền vốn ra vào Nga bị hạn chế. Ngoài ra, Mỹ cũng đang thảo luận về khả năng đóng băng trữ lượng vàng trị giá 132 tỷ USD của Nga.

Các công ty đa quốc gia của Mỹ và châu Âu đã hưởng ứng các lệnh trừng phạt. British Petroleum, Shell, Exxon Mobil cùng các tập đoàn khác đã rút cổ phần của họ trong các công ty dầu khí của Nga. Boeing, Airbus, Mastercard, Visa, Microsoft, IBM, Apple, Intel, Google, Twitter, Facebook, Warner Bros và Disney đều đã rút khỏi Nga.

Người dân Ukraine sơ tán khỏi thủ đô Kiev ngày 5/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Về phần mình, Nga đã áp dụng các biện pháp đáp trả cứng rắn. Phía Nga đã công bố danh sách hơn 200 sản phẩm bị cấm xuất khẩu, bao gồm sản phẩm trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông, thiết bị y tế, giao thông vận tải, máy móc nông nghiệp... Nga cũng đưa 48 quốc gia và khu vực vào danh sách các quốc gia (khu vực) không thân thiện, hủy bỏ các khoản phí độc quyền, hoàn trả các khoản vay bằng đồng ruble và cấm xuất khẩu lương thực cho những nước này.

Nga đã đưa 59 hãng nước ngoài, bao gồm Apple, Volkswagen, IKEA, Microsoft, IBM, Shell, McDonald's, Porsche, Toyota, H&M… vào danh sách đen. Các tập đoàn này đối mặt với khả năng bị tịch thu và quốc hữu hóa tài sản, có ban quản lý bên ngoài vào tiếp quản.

Toàn bộ các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga hiện nay, ở quy mô mà Nga cho là có thể gọi là “chiến tranh kinh tế - tài chính” toàn diện, có mục đích lớn nhất là trừng phạt hành động quân sự của Nga ở Ukraine và răn đe Nga sớm chấm dứt cuộc chiến. Nhưng cho đến thời điểm này, mục đích này vẫn chưa đạt được. Bất chấp các lệnh trừng phạt ồ ạt với quy mô chưa từng thấy từ phương Tây, Nga vẫn không thể hiện bất cứ ý định nào về việc chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này đang tiến hành tại Ukraine. 

 

Theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, cuộc xung đột ở Ukraine phải được chấm dứt và các bên cần tiến hành đàm phán nghiêm túc vì hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc.

Tác động lên nền kinh tế Nga của các lệnh trừng phạt này cũng chưa như phương Tây kỳ vọng. Đồng ruble Nga đã trở lại với giá trị ngang bằng thời điểm trước khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine. Các tính toán mới đây từ hãng tin Blomberg cho thấy trong năm 2022, xuất khẩu năng lượng của Nga có thể đạt mức trên 320 tỷ USD, cao hơn 30% so với năm 2021. Hiện mỗi ngày châu Âu vẫn phải chi khoảng 800 triệu euro để nhập khẩu năng lượng Nga.

Trong khi đó, tác động từ cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau với Nga khiến châu Âu đang rơi vào khủng hoảng năng lượng, đối mặt nguy cơ lạm phát. Tình hình ở Nga và Ukraine cũng gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, khiến thị trường hàng hóa nói chung tăng giá mạnh. Giá cả nhiều mặt hàng khác nhau, bao gồm dầu thô, khí đốt tự nhiên, vàng, lúa mì, dầu cọ… đã đạt mức cao kỷ lục. Đối với thị trường hàng hóa toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine leo thang đang khiến nguồn cung càng trở nên khan hiếm hơn nữa.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 5/4 dẫn các phân tích cho rằng hoạt động buôn bán ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột tại Ukraine. Các chuyến giao hàng từ Ukraine và Nga, vốn chiếm khoảng 1/4 kim ngạch thương mại ngũ cốc toàn cầu (khoảng 120 tỷ USD) đang trở nên khó khăn hơn, làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực.

“Cuộc xung đột ở Ukraine là một trong những thách thức lớn nhất đối với trật tự quốc tế bởi "bản chất, cường độ và hậu quả của cuộc xung đột này”, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ngày 5/4 đã đưa ra lời cảnh báo trên trong phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc về cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông Guterres, cuộc xung đột ở Ukraine thậm chí còn gây áp lực hơn cho các nước đang phát triển, với hơn 1,2 tỷ người đặc biệt bị tổn thương do giá lương thực, năng lượng và phân bón tăng cao. Theo người đứng đầu Liên hiệp quốc, cuộc xung đột ở Ukraine phải được chấm dứt và các bên cần tiến hành đàm phán nghiêm túc vì hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc.

Hồng Hà (Theo Vietnam+, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.