Thế giới trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Dịch bệnh COVID-19, cuộc xung đột Nga – Ukraine đang đặt thế giới trước nhiều nguy cơ bất ổn khi an ninh năng lượng bị đe dọa, lạm phát tăng cao… Trong đó, các chuyên gia cảnh báo một cuộc khủng hoảng lương thực "nghiêm trọng chưa từng có" đang đến gần.
Nguồn cung thiếu, giá tăng cao
Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 17% sản lượng ngô, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Hiện chưa có quốc gia nào có thể bù đắp được xuất khẩu lúa mì của Nga và Ukraine, vốn chiếm 1/3 nguồn cung trên toàn cầu.
Giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Năm vừa qua, giá lúa mì tăng 69%. Giá ngô và lúa mạch tăng lần lượt 36% và 82%. Trong tháng 2/2022, giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) bắt đầu công bố Chỉ số giá lương thực. Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 8/4, FAO tiếp tục cho biết giá lương thực thế giới tăng 13% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục mới. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng 17% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục, trong khi chỉ số giá dầu thực vật tăng 23%, cũng là mức tăng chưa từng có. FAO cho biết giá đường và các sản phẩm từ sữa cũng tăng mạnh trong tháng 3.
Trong khi đó, phân bón, mặt hàng thiết yếu để người nông dân đạt được mục tiêu năng suất, lại chưa bao giờ đắt đỏ như lúc này do nguồn cung từ Nga đang bị ngưng lại. Đó là vấn đề trong ngắn hạn nhưng cũng là nguy cơ dài hạn vì có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong năm tới. Điều này thực sự tạo ra vấn đề đối với nguồn cung ngũ cốc và tất cả những loại thực phẩm cho thế giới trong năm tới.
Cánh đồng lúa mì ở Tbilisskaya, Nga. Ảnh: AP |
Khó khăn về hậu cần trên biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan, khiến Ukraine chỉ có thể xuất sang châu Âu 600.000 tấn ngũ cốc/tháng, thay vì 5 triệu tấn ngũ cốc/tháng như trước đây. Từ ngày 15/2 đến ngày 30/6, Nga dự định bán ra nước ngoài tới 11 triệu tấn ngũ cốc, bao gồm 8 triệu tấn lúa mì. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây hầu như không ảnh hưởng đến mặt hàng này, song gần 90% lượng ngũ cốc được vận chuyển ra thị trường nước ngoài qua cảng Novorossiysk và phần lớn các tuyến hàng hải ở Biển Đen bị đóng cửa. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine sẽ giảm 7 triệu tấn, tức là giảm 12% so với mùa trước.
Những tác động nặng nề
Mới đây, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo, xung đột ở Ukraine không những tạo ra “thảm họa chồng thảm họa” mà còn có tác động toàn cầu, vượt ra khỏi những gì mà nhân loại chứng kiến kể từ Thế chiến II. Theo ông Beasley, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, WFP đã nỗ lực để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ trên khắp thế giới. Thế nhưng, cơ quan này bắt đầu phải cắt giảm khẩu phần của họ, bởi chi phí thực phẩm, nhiên liệu và vận chuyển đều tăng cao.
Trong lịch sử, bất ổn về lương thực từng là nguyên nhân chính gây ra những biến động xã hội và chính trị ở các nước nghèo. Vì thế, tình trạng này nếu không sớm được kiểm soát có thể thúc đẩy xung đột, bạo lực và khủng bố, dẫn tới những hệ lụy khó lường cho an ninh của nhiều quốc gia và của thế giới. |
Giám đốc WFP cho biết tổ chức này buộc phải cắt giảm 50% khẩu phần của khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng cuộc chiến tại Yemen. Ngoài ra, WFP đang hỗ trợ lương thực cho khoảng 1 triệu người ở Ukraine, con số này sẽ là 4 triệu vào cuối tháng 5 và 6 triệu vào cuối tháng 6. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina cũng cảnh báo, an ninh lương thực của châu lục này sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cuộc khủng hoảng do nhập khẩu lúa mì chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại 4 tỷ USD của châu Phi với Nga.
Báo cáo gần đây do WFP thực hiện cho thấy số người nghèo đói đã gia tăng đáng kể dưới tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine lẫn đại dịch COVID-19. Theo đó, số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019.
Ảnh hưởng của chuỗi lương thực bị mắc kẹt ở Ukraine và Nga - những nền nông nghiệp quan trọng đối với cán cân toàn cầu - đã và đang được cảm nhận ở các quốc gia dễ bị tổn thương hơn. Cho đến trước khi xảy ra xung đột, 40% lượng lúa mì và ngô xuất khẩu của Ukraine đến Trung Đông và châu Phi. Sau đợt hạn hán xảy ra ở vùng Sừng châu Phi vào năm 2021, FAO đã phát đi báo động vào tháng 1/2022, thông báo về một cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới và cảnh báo nguy cơ nạn đói ở 26 quốc gia đang phát triển. Theo ước tính của FAO, nếu xung đột khiến Nga và Ukraine phải kéo dài việc cắt giảm xuất khẩu lương thực, số người thiếu dinh dưỡng trên toàn cầu có thể tăng khoảng từ 8 - 13 triệu người. Thậm chí, tại một số khu vực như Đông Phi, nơi hứng chịu hạn hán trong suốt 3 năm qua, tình trạng thiếu lương thực sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hiệp quốc về các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya cũng bày tỏ quan ngại rằng xung đột tại Ukraine có thể khiến tình hình ở những nơi đang rơi vào khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới như Afghanistan hay Yemen sẽ càng thêm thê thảm.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc