Ba nhân tố khiến trừng phạt dồn dập của phương Tây không làm Nga sụp đổ
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và đồng minh dựng lên một loạt lệnh trừng phạt chưa có tiền lệ nhằm triệt hạ kinh tế Nga.
Bất chấp khả năng kháng cự đáng kể của Ukraine cũng như việc triển khai nhiều gói trừng phạt nhằm vào Nga, xung đột giữa hai nước dường như chưa có dấu hiệu sớm kết thúc sau gần ba tháng giao tranh. Đến thời điểm này, đa phần giới phân tích chỉ tập trung mô tả thực trạng sức mạnh quân sự Nga, vai trò lãnh đạo của Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng như phản ứng đoàn kết hiếm thấy trong nội bộ phương Tây trước Nga.
Điều ít được đề cập chính là khả năng kháng cự, chống chọi bền bỉ của kinh tế Nga trước loạt trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và đồng minh. Trong một thế giới vốn đã phải chịu tác động bất ổn từ đứt gãy chuỗi cung, thiếu hụt năng lượng và suy giảm tăng trưởng, dễ nhận thấy rằng các biện pháp cấm vận đã không đạt mục tiêu mà phương Tây đề ra – làm sụp đổ kinh tế Nga.
Trước khi làm rõ các nhân tố giúp Nga tránh được kết cục thảm họa kinh tế, cần phải hiểu rõ quy mô, cấp độ của các đòn trừng phạt mà Moskva phải đối diện. Đầu tiên là cấm vận nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga, khiến 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga ở nước ngoài bị đóng băng.
Kế đến, Mỹ và đồng minh cũng cấm xuất khẩu công nghệ cao, thiết bị, vật tư phục vụ ngành năng lượng, hàng không sang Nga. Mỹ áp cấm vận dầu thô, khí đốt, than đá, sản phẩm lọc dầu từ Nga. Mới nhất là việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu than đá từ Nga, đẩy mạnh thảo luận về gói trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Moskva.
Dưới tác động của một loạt gói trừng phạt này, nhiều công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia đã rời khỏi thị trường Nga, như là McDonald's, Coca-Cola, Apple, hay BP... Khác với cấm vận phương Tây dựng lên chống Moskva sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga (nhưng không được Ukraine công nhận), đòn trừng phạt lần này ngay lập tức đã gây ra tác động mạnh.
Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự và đối diện với trừng phạt tức thời của Mỹ và đồng minh, đồng rúp Nga mất giá 50%, thị trường chứng khoán Nga mất điểm kỷ lục, buộc nhà điều hành phải ra lệnh tạm thời ngừng giao dịch. Ở giai đoạn đầu của xung đột, có vẻ như phương Tây “thành công đến nơi” trong ý định gây xáo trộn kinh tế Nga.
Đổng rúp của Nga giữ giá ổn định so với đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Thế nhưng sau đó đồng rúp bắt đầu lấy lại sức mạnh. Tính đến thời điểm này, đồng rúp đã trở về giá trị như trước thời điểm Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Chính điều này đã đặt ra câu hỏi với giới quan sát về cách thức giúp kinh tế Nga trụ vững giữa khủng hoảng. Không thể khẳng định đồng rúp là chỉ dấu thực chất cho sức khỏe kinh tế Nga. Nhưng khi xem xét dưới góc độ kinh tế, ổn định của đồng nội tệ cũng là phản ánh quan trọng của ổn định kinh tế. Một tín hiệu lạc quan khác chính là việc Ngân hàng Trung ương đã hạ lãi suất từ mức 17% xuống còn 14%.
Vậy bằng cách nào Nga vượt qua đòn trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây? Thế mạnh về xuất khẩu năng lượng, những lỗ hổng trong gói cấm vận của phương Tây và thực thi các biện pháp kinh tế khẩn cấp giúp Nga là các nhân tố giúp Nga vượt qua “bão khủng hoảng”.
Trước hết là vị thế riêng có của Nga trên thị trường năng lượng, hàng hóa. Nga là nhà xuất khẩu ròng các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt, xăng dầu thành phẩm, ngũ cốc cũng như một số nguyên, nhiên liệu chủ chốt cho đầu vào các ngành sản xuất, chế tạo. Nguồn thu từ xuất khẩu này giúp Nga có được nguồn lực tài chính ổn định. Cũng là gói trừng phạt đó nếu áp đặt vào một nước nhập khẩu ròng những sản phẩm này, nước bị cấm vận sẽ đối diện với nạn đói, giải trừ công nghiệp, bất ổn…
Quan hệ thương mại rộng mở với hai đối tác lớn là Trung Quốc và Ấn Độ là nhân tố bảo đảm dòng ngoại tệ vẫn chảy về Nga, xoa dịu những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ. Nguồn thu ngoại tệ cũng đến từ EU, đơn giản là bởi khu vực này vẫn chưa thể sớm từ bỏ nguồn khí đốt và phần nào đó là dầu thô từ Nga.
Đường ống "Sức mạnh của Siberia" dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN) |
Đương nhiên, lượng ngoại tệ này sẽ “vô dụng” nếu như Nga không thể sử dụng do lệnh trừng phạt. Đây là lý do khiến nhiều hãng định mức tín nhiệm hồi tháng 4 vừa qua cảnh báo kịch bản vợ nỡ hiển hiện đối với Nga. Nhưng một lần nữa Nga đã vượt qua được thách thức, khi tận dụng được những khe hở trong cấm vận của phương Tây.
Ngay sau các lệnh trừng phạt đầu tiên được đưa ra, Bộ Tài chính Mỹ vẫn cấp phép miễn trừ tạm thời với Nga, nhằm bảo đảm nhận các khoản thanh toán lãi, cổ tức hoặc đáo hạn liên quan đến nợ hoặc vốn chủ sở hữu từ Nga.
Chính điều này giúp Nga tránh được nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, miễn trừ này dự kiến hết hạn vào ngày 25/5, thời điểm Nga sẽ vẫn còn các khoản trái phiếu chính phủ trị giá gần 2 tỷ USD phải thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài trước cuối năm nay. Thông tin mới nhất cho thấy Mỹ không có ý định gia hạn miễn trừ này.
Nhân tố còn lại mang tính quyết định chính là việc Chính phủ Nga đã thực thi một loạt biện pháp kinh tế khẩn cấp để giữ giá đồng nội tệ. Sau thời điểm bị Mỹ và phương Tây áp cấm vận năm 2014, Nga đã bắt tay xây dựng “pháo đài kinh tế” đủ sức chống đỡ với trừng phạt từ bên ngoài. Nổi bật là kho dự trữ ngoại tệ lên đến 640 tỷ USD, được coi là công cụ quan trọng để ứng phó trước nguy cơ khủng hoảng.
Kế đến, Nga đã có những phản ứng tức thời trước đòn cấm vận của phương Tây. Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất lên 20%, ra quy định buộc các nhà xuất khẩu phải bán 80% ngoại tệ thu được cho nhà nước, hạn chế lượng ngoại tệ tối đa mà người dân được quyền rút xuống còn 10.000 USD. Bước đi này cùng với sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin buộc “khách hàng không thân thiện” phải thực hiện cơ chế thanh toán bằng đồng rúp đối với các hợp đồng mua khí đốt đều có tác dụng hỗ trợ đồng nội tệ, kiểm soát tốt thị trường tiền tệ trong nước.
Nga đã trụ vững trước sức ép trừng phạt, nhưng triển vọng kinh tế trong dài hạn gặp nhiều thách thức. Các biện pháp mạnh tay được đưa ra để trung hòa lệnh cấm vận không phải là giải pháp lâu dài. Nếu như đồng rúp đến một thời điểm nào đó sụp đổ, kinh tế Nga cũng sẽ rơi vào khốn khó.
Nga cũng gặp khó khăn trong tiếp cận hàng hóa, công nghệ cần thiết để duy trì những ngành kinh tế then chốt. Những thách thức khác bao gồm nạn “chảy máu chất xám” cũng như nguy cơ suy giảm nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ thị trường bên ngoài, gây tổn thất đến sức mạnh kinh tế của Nga.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc