Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 52: “Nóng” vấn đề bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

09:05, 29/05/2022

Từ ngày 22 đến 26/5, tại Davos (Thụy Sĩ) đã diễn ra Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 52 (WEF). Đây là hội nghị được tổ chức trực tiếp sau hai năm gián đoạn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Với chủ đề “Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của Chính phủ và Chiến lược của doanh nghiệp”, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm nay có sự tham dự của trên 2.500 chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn, đại diện các tổ chức xã hội dân sự cũng như các cơ quan truyền thông. Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị năm nay do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dẫn đầu. 

Trong hai ngày họp đầu tiên tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2022, một loạt các phiên thảo luận đã dành riêng cho chủ đề an ninh lương thực toàn cầu, trong đó chiều 23/5 có phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu” với diễn giả chính là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Trong ngày 24/5, tại các phiên thảo luận khác về kinh tế thế giới, như phiên thảo luận mang tên “Hấp thụ cú sốc giá nguyên liệu” hay “Hỗ trợ tài chính cho sự bền bỉ của các nền kinh tế và xã hội”, rất nhiều diễn giả đã đề cập đến nguy cơ thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực lớn.

Nguyên nhân lớn đầu tiên được chỉ ra cho đến thời điểm này đó là cuộc chiến tại Ukraine. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm đứt gãy nguồn cung một loạt các sản phẩm nông nghiệp quan trọng như lúa mì, dầu hướng dương, hạt giống…

Ngoài ra, Ukraine còn là một cường quốc xuất khẩu hạt giống và việc hiện nay Ukraine đang bị phong tỏa hoàn toàn đường biển, không thể xuất khẩu lúa mì, hạt giống qua cảng Odessa ở Biển Đen được cho là yếu tố quan trọng khiến nguồn cung lương thực trên thế giới bị tác động, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á không chỉ thiếu lúa mì mà còn có nguy cơ thiếu cả hạt giống để gieo trồng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái dự và phát biểu khai mạc Phiên toàn thể về chủ đề "Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu". Ảnh: VGP

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine chỉ là một nguyên nhân. Như nhận định của ông Davis Beasley, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên hiệp quốc thì tình hình hiện nay có thể gọi là một “cơn bão hoàn hảo”, tức là sự tích tụ cùng lúc của rất nhiều yếu tố bất lợi. Đầu tiên là bất ổn địa chính trị, tiếp đến là sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã xuất hiện từ trong đại dịch COVID-19. Ngoài ra, xu hướng tăng giá nhiên liệu cũng như các nguyên liệu đầu vào đã xuất hiện từ năm 2021 lại bị cuộc chiến tại Ukraine làm trầm trọng hơn. Tất cả những điều đó tạo ra nguy cơ khủng hoảng lương thực như hiện nay.

Tác động khủng hoảng “kép” của đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị đang gây ra những tác động cộng hưởng chưa từng có lên nguồn cung, giá cả và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Theo Giám đốc WFP David Beasley, ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu cũng trong tình trạng đáng báo động. Cần phải có những hành động ngay bây giờ tránh viễn cảnh an ninh lương thực càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Phát biểu tại phiên thảo luận về "Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu", Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái nêu 5 đề xuất quan trọng: Một là, cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững.

Vấn đề cấp bách là hỗ trợ nhân đạo các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản; về dài hạn, phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững.

Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu, trong đó cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Ba là, đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.

Bốn là, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan.

Năm là, đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhất là ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo…

Phó Thủ tướng chia sẻ định hướng của Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp carbon thấp, “xanh - sinh thái - bền vững”, xoay quanh ba trụ cột: "nông nghiệp sinh thái", "nông thôn hiện đại”, "nông dân thông minh". Phó Thủ tướng kêu gọi sự đồng hành của quốc tế trong việc củng cố khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần củng cố an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

Hồng Hà

(Theo VOV, Vietnam+)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.