Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Hoa Kỳ

10:58, 19/05/2022

Sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc.

Chuyến công tác của Thủ tướng thành công trên nhiều phương diện: góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ; thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên hiệp quốc; làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; khẳng định vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong 7 ngày trên đất nước cờ hoa, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại 4 thành phố là Washington D,C, Boston, New York và San Francisco với hơn 50 hoạt động lớn nhỏ khác nhau.

Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ; gặp lãnh đạo một số nước ASEAN nhân hội nghị này như Thủ tướng các nước Lào, Campuchia, Singapore, Tổng thống Indonesia.

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng đã gặp các lãnh đạo của Liên hiệp quốc gồm Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP).

Thủ tướng Chính phủ đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden và có các cuộc tiếp các quan chức hàng đầu của Chính phủ Hoa Kỳ như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Tài chính, Cố vấn An ninh Quốc gia… và lãnh đạo một số thành phố của Hoa Kỳ.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm, có các bài diễn thuyết quan trọng tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), Đại học Harvard; đồng thời dự, đối thoại, giải đáp nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại của Việt Nam và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm tại các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm, hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Kinh tế, thương mại là một trụ cột trong quan hệ hai nước. Do đó, Thủ tướng dự, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ, chứng kiến lễ trao một loạt các văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng Chính phủ đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ và các doanh nghiệp do người Việt Nam đứng đầu. Đặc biệt, Thủ tướng đã đến thăm các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Intel, Apple, Google…; thăm Sàn giao dịch chứng khoán New York - sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới.

Trong lịch trình bận rộn, Thủ tướng vẫn sắp xếp thời gian tiếp các chuyên gia, học giả, bạn bè Hoa kỳ có tình cảm, ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng có 3 cuộc gặp mặt kiều bào đang sinh sống, lao động và học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ…

Cùng với hoạt động của Thủ tướng, các thành viên chính thức tham gia Đoàn công tác - là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều có các hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Rick Osterloh, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phần cứng của Tập đoàn Google. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Rick Osterloh, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phần cứng của Tập đoàn Google. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến công tác dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã thể hiện và khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Thông qua các hoạt động, các diễn thuyết, phát biểu, Thủ tướng thể hiện và khẳng định chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, dựa trên 3 trụ cột là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam như đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi", và như lời cha ông ta đã nói: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.