Những điều kỳ vọng về chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đến Trung Đông với điểm dừng chân đầu tiên là Israel.
Đài Sputnik đưa tin ông Joe Biden đang thực hiện chuyến công du khu vực Bờ Tây và Saudi Arabia từ ngày 13-16/7 trong nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ gắn bó tại khu vực này bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với Tel Aviv, hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với Riyadh cũng như tập trung sự ủng hộ của các đồng minh vùng Vịnh nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu.
“Chuyến đi sẽ mở ra một chương mới và nhiều hứa hẹn hơn về sự tham gia của Mỹ ở Trung Đông”, ông Biden viết trên tờ The Washington Post. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời khẳng định chuyến đi diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với khu vực này cũng như thúc đẩy các lợi ích quan trọng của người Mỹ.
Ông Joe Biden lên chuyên cơ Không lực Một lên đường đến Trung Đông ngày 12/7. Ảnh: AP/TTXVN |
Ngoài ra, ông Biden sẽ củng cố cam kết vững chắc của Mỹ đối với an ninh và thịnh vượng của Israelvà tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cùng với Ai Cập, Iraq và Jordan (GCC + 3).
Israel
Lập luận trong bài viết trên tờ Washington Post, ông Biden cho rằng Trung Đông đã trở nên ổn định và an toàn hơn trong suốt 18 tháng ông cầm quyền cho đến nay. Điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden là Israel, nơi ông sẽ thảo luận về an ninh, thịnh vượng và cơ hội hội nhập ngày càng tăng với Trung Đông.
Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định chính quyền của ông đã giúp kết thúc một cuộc chiến ở Gaza - có thể dễ dàng kéo dài hàng tháng - chỉ trong 11 ngày, liên quan đến các sự kiện vào tháng 5/2021.
Washington cũng đã xây dựng lại mối quan hệ với người Palestine, khôi phục khoảng 500 triệu USD viện trợ. Đồng thời, nước này cũng phê duyệt khoản viện trợ quân sự trị giá trên 4 tỷ USD cho Israel vào tháng 5 vừa qua. Ông Biden gọi đây là gói hỗ trợ lớn nhất cho Israel trong lịch sử.
Theo quan chức chính sách hàng đầu của Bộ Ngoại giao về Trung Đông, chuyến đi cũng có thể đem đến những tuyên bố "thú vị" khi Mỹ đang nỗ lực mở rộng Hiệp định Abraham về việc bình thường hóa giữa Israel và các quốc gia Arab.
Binh sĩ Israel tập duyệt cho lễ đón Tổng thống Mỹ tại sân bay Ben Gurion. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Bờ Tây
Trong điểm dừng chân thứ hai, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Chính quyền Palestine ở Bờ Tây để nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với giải pháp hai nhà nước.
Các nhà quan sát dự báo ông Biden sẽ đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối trong thời gian dừng chân ở Ramallah.
Một quan chức Palestine nói với tờ Jerusalem Post: “Palestine không phải là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Biden. Bỏ qua vấn đề này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và phá hoại an ninh và ổn định trong khu vực. Chúng tôi đã chán ngấy những lời hứa suông. Nếu người Mỹ tiếp tục phớt lờ yêu cầu của chúng tôi, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Chúng tôi muốn chính nghĩa của người Palestine trở lại là tâm điểm chú ý của thế giới”.
Saudi Arabia
Điểm dừng chân cuối cùng của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du Trung Đông là Jeddah, nơi tổ chức hội nghị GCC. Tổng thống được cho là sẽ cố gắng điều chỉnh lại mối quan hệ với Saudi Arabia trong bối cảnh có nhiều đồn đoán cho rằng mối quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ đang rạn nứt sâu sắc.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, Joe Biden đã lên án chính quyền Saudi Arabia liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Truyền thông quốc tế thậm chí còn cho rằng những bất đồng đã trở nên sâu sắc trong cuộc khủng hoảng Ukraine, khi các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ chối đề nghị của Tổng thống Biden về hỗ trợ nguồn cung dầu mỏ để kiểm soát giá dầu trong nước.
Bài báo của ông Joe Biden với tiêu đề "Tại sao tôi lại đến Saudi Arabia" đã ghi nhận việc nhiều người không đồng ý với quyết định đến đó của ông. Tổng thống Mỹ lập luận rằng mục đích của ông là định hướng lại - nhưng không phá vỡ - quan hệ với một quốc gia đã là đối tác chiến lược trong 80 năm.
Ông tin rằng hợp tác với các quốc gia như Saudi Arabia có thể giúp Washington đối trọng với Nga cùng sự cạnh tranh của Trung Quốc. Ông khẳng định mục đích của chuyến công du là nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai dựa trên lợi ích và trách nhiệm chung.
Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp gỡ Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud và đội ngũ lãnh đạo của Saudi Arabia. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia kể từ khi nhậm chức.
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ sẽ giải quyết các vấn đề năng lượng trong cuộc họp này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan xác nhận rằng ông Biden cũng sẽ thảo luận về an ninh năng lượng với ban lãnh đạo của các quốc gia thành viên Tổ chức OPEC khác, nhưng từ chối thảo luận về các chi tiết cụ thể.
Ông cho biết chính quyền Mỹ tin rằng cần phải có nguồn cung đầy đủ trên thị trường thế giới để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như người tiêu dùng Mỹ nói riêng.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden lưu ý rằng ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên bay từ Israel đến Jeddah và gọi đây là một trong những các bước tiến tới bình thường hóa giữa Israel và thế giới Arab.
Các thách thức khác
Ông Biden lưu ý rằng Trung Đông vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có chương trình hạt nhân của Iran, cuộc chiến ở Syria, an ninh lương thực, khủng bố, nhân quyền cùng bế tắc chính trị ở Iraq, Libya và Lebanon.
Về Iran, ông cho biết Washington sẽ tiếp tục gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Tehran để nối lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Theo ông Biden, khu vực Trung Đông đã trở nên hội nhập hơn và ít căng thẳng hơn trong thời gian ông bắt đầu cầm quyền. Ông khẳng định sẽ tìm cách đạt được tiến bộ về những thách thức khác tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo trong khu vực.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc