Châu Phi kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực
Các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan liên quan đến nông nghiệp của châu Phi cần đưa ra hành động khẩn cấp để xây dựng hệ thống lương thực thích ứng ở "lục địa Đen".
Giới chức các nước châu Phi đã đưa ra tuyên bố trên ngày 6/9 trong bối cảnh Diễn đàn Cách mạng Xanh châu Phi 2022 (AGRF) khai mạc tại thủ đô Kigali của Rwanda. Đây là một trong những diễn đàn lớn nhất về nông nghiệp châu Phi, quy tụ lãnh đạo các nước, các tổ chức, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nông dân và doanh nhân.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh do Chính phủ Rwanda và nhóm đối tác của Diễn đàn Cách mạng Xanh châu Phi đồng tổ chức với chủ đề "Đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống lương thực châu Phi" sẽ diễn ra cho đến ngày 9/9.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Rwanda Edouard Ngirente cho biết, chủ đề của hội nghị thượng đỉnh năm nay nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải xây dựng các hệ thống lương thực bao trùm, bền vững và có khả năng phục hồi trong thời kỳ hậu COVID-19.
Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đang hồi phục sau cú sốc toàn cầu, việc xích lại gần nhau chính là "chìa khóa" thúc đẩy hệ thống lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Giá lương thực cao như hiện nay cho thấy cần có các biện pháp táo bạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp lương thực bền vững cho các thị trường.
Thủ tướng Rwanda kêu gọi tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của chuỗi giá trị nông nghiệp, trong đó có giảm tổn thất sau thu hoạch, ước tính từ 30-40% tổng sản lượng ở các nước đang phát triển, sử dụng phân bón và hạt giống chất lượng cao, cũng như áp dụng nông nghiệp thông minh. Để đạt được điều này, cần xây dựng mối quan hệ đối tác công - tư chặt chẽ.
Cùng chung nhận định trên, ông Hailemariam Desalegn, cựu Thủ tướng Ethiopia, đồng thời là Chủ tịch Nhóm đối tác AGRF khẳng định: "Việc chuyển đổi hệ thống lương thực là chìa khóa để chuyển đổi nền kinh tế". Chính vì vậy, cần thực hiện ngay điều này, nếu không châu Phi có thể trở thành châu lục đói duy nhất vào năm 2027.
Theo ông Desalegn, chi phí lương thực tăng tới 42% so với mức trung bình kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 - thời điểm cuộc khủng hoảng lương thực bắt đầu. Ông nhấn mạnh, những thành quả đạt được trong việc đạt được an ninh lương thực đang bị xói mòn một lần nữa do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở châu Phi.
Hội nghị thượng đỉnh AGRF là sự kiện diễn ra hằng năm thảo luận việc định hình tương lai hệ thống lương thực của châu Phi.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc