Phản ứng của các bên về cuộc trưng cầu ý dân tại 4 vùng ở Ukraine
Từ ngày 23 đến 27/9, Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở miền Đông cùng khu vực Kherson và Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine đã tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga.
Số liệu chính thức sau khi hoàn tất kiểm phiếu cho thấy, ở Lugansk, hơn 98% cử tri ủng hộ sáp nhập vào Nga, tỷ lệ này ở Donetsk là 99%. Cả Zaporizhzhia và Kherson đều đã hoàn tất kiểm phiếu vào cuối ngày 27/9 theo giờ địa phương, với tỷ lệ ủng hộ sáp nhập vào Nga lần lượt là 93% và 87%.
4 người đứng đầu chính quyền 4 vùng này đã đến Nga để ký một văn kiện sáp nhập với Nga – đề nghị Tổng thống Nga Putin công nhận kết quả và chấp thuận cho việc gia nhập. Một loạt các thủ tục pháp lý đang được tiến hành theo đúng kế hoạch. Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vasily Nebenzya khẳng định, các cuộc trưng cầu ý dân tại Ukraine đã diễn ra một cách minh bạch. Tương lai, Nga sẽ phát triển 4 vùng lãnh thổ Ukraine sau khi sáp nhập – nơi mà ông cáo buộc chính quyền Kiev đang cố gắng tìm cách “san phẳng”.
Một điểm bỏ phiếu ở Lugansk trong cuộc trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga. Ảnh: Sputnik |
Ngày 28/9, trả lời báo chí, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga cần phải giải phóng toàn bộ lãnh thổ của vùng Donetsk sau cuộc trưng cầu ý dân. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Peskov, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ vẫn tiếp tục tiến hành, sau khi sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Nga theo kết quả của các cuộc trưng cầu ý dân. Trước đó, vào hôm 22/9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các vùng lãnh thổ mới sáp nhập. Ngoài ra, ông Medvedev cho rằng sau khi hai vùng ly khai ở Donbass sáp nhập vào Nga, sự chuyển đổi địa chính trị toàn cầu sẽ trở nên “không thể đảo ngược”. Ngay sau khi các vùng của Ukraine quyết định tổ chức trưng cầu ý dân, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh động viên một phần, trong đó huy động khoảng 300.000 lính dự bị.
Ngày 28/9, Ukraine tuyên bố các cuộc bỏ phiếu do Moscow tổ chức ở 4 khu vực của Ukraine để sáp nhập Liên bang Nga là "vô giá trị và không có hiệu lực", đồng thời lưu ý rằng, Kiev sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm giải phóng vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.
Khi hối thúc các đối tác quốc tế áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nghiêm khắc đối với Moscow và cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Kiev, Bộ Ngoại giao Ukraine ra thông cáo khẳng định: "Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào".
Cùng ngày 28/9, Mỹ tuyên bố sẽ không công nhận các khu vực của Ukraine bị Nga sáp nhập, đồng thời gọi các cuộc trưng cầu dân ý ở những khu vực này là bất hợp pháp. Nhà Trắng cho biết, đang phối hợp với các đồng minh về các biện pháp trừng phạt Nga, nếu nước này sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine. Các lệnh trừng phạt có thể được áp đặt đối với các cá nhân và thực thể bên trong và ngoài Nga ủng hộ việc sáp nhập.
4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga. Ảnh: Reuters |
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 27/9, Phó Tổng thư ký phụ trách chính trị và các vấn đề xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo tuyên bố, Liên hiệp quốc cương quyết công nhận chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các đường biên giới đã được cộng đồng quốc tế công nhận từ trước tới nay.
Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, trưng cầu dân ý do Moscow tổ chức tại Ukraine là "vi phạm luật pháp quốc tế". Viết trên mạng xã hội Twitter, ông Stoltenberg cũng cho biết đã trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “và nói rõ rằng NATO luôn kiên định ủng hộ chủ quyền và quyền tự vệ của Ukraine”.
Các nhà phân tích cho rằng, với những diễn biến mới nói trên và nhất là tuyên bố của Nga cần phải giải phóng hoàn toàn vùng Donetsk sau cuộc trưng cầu ý dân, cuộc xung đột Nga - Ukraine thời gian tới dự báo tiếp tục căng thẳng, triển vọng khôi phục đàm phán sẽ còn xa vời. |
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, EU lên án các cuộc bỏ phiếu sáp nhập do Nga tổ chức ở 4 khu vực, gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Charles Michel cũng khẳng định EU sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý ở các khu vực này. Được biết, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang dự kiến các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm áp đặt hạn chế thương mại hơn nữa với Nga, liệt kê các cá nhân Nga vào "danh sách đen" của EU và áp trần giá dầu mỏ đối với nước thứ 3. Đề xuất này của EC sẽ được thông báo tới 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các nước này cần vượt qua được những bất đồng để đạt được thống nhất việc thực thi những đề xuất này.
Trong khi đó, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào ngày 27/9, Đại sứ Trương Quân, Trưởng phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc khẳng định, cách tiếp cận của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Ukraine vẫn nhất quán và rõ ràng. Ông Trương Quân khẳng định: “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng”.
Tuy nhiên, trước việc Mỹ kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án những cuộc trưng cầu dân ý của Nga và chính quyền địa phương tại các vùng lãnh thổ đang kiểm soát, nhà ngoại giao này cho rằng, tình trạng đối đầu theo khối, cô lập chính trị, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ dẫn tới bế tắc. Đề cập giải pháp chấm dứt xung đột hiện nay tại Ukraine, đại diện Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Moscow và Kiev tiến hành đàm phán và cho rằng, những cuộc đàm phán này nên nói về quan ngại hợp pháp của các bên.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc