Multimedia Đọc Báo in

COP27: Chung tay hành động chống biến đổi khí hậu

07:05, 13/11/2022

Ngày 6/11, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm El-Sheikh ở thành phố Sharm El-Sheikh, tỉnh Nam Sinai của Ai Cập.

Với chủ đề "Chung tay để hành động", COP27 năm nay dự kiến không có thêm cam kết mới nào, mà là nơi bàn thảo để thúc đẩy thực thi cam kết tại COP26.

Hội nghị COP27 được tổ chức trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng của việc thực thi các cam kết về khí hậu, nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo, những quốc gia đang chịu nhiều thiệt hại nhất của biến đổi khí hậu.

Diễn ra từ ngày 6 đến 18/11, trong khuôn khổ COP27 diễn ra nhiều hoạt động quan trọng: Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra trong hai ngày 7 và 8/11 với các chủ đề bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các phiên họp từ ngày 9 đến 17/11 tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm Ngày Tài chính, Ngày Khoa học, Ngày về thanh niên và các thế hệ tương lai, Ngày về khử carbon, Ngày thích ứng và nông nghiệp, Ngày về giới, Ngày về nước, Ngày về xã hội dân sự, Ngày năng lượng, Ngày đa dạng sinh học, Ngày về các giải pháp. Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, hội nghị sẽ thảo luận và xem xét thông qua tuyên bố chung.

Khoảng 40.000 đại biểu, trong đó có gần 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới, tham dự Hội nghị khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu tham dự phiên khai mạc, phiên toàn thể và các phiên thảo luận quan trọng khác của COP27.

Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP27 tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập ngày 6/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Với tư cách là nước chủ nhà và là Chủ tịch COP27, Ai Cập sẽ nỗ lực thống nhất 4 chủ đề chính, bao gồm tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, và nâng mục tiêu trong hành động khí hậu.

Ai Cập rất kỳ vọng COP27 sẽ giải quyết được các vấn đề then chốt như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như vấn đề cung cấp tài chính khí hậu thỏa đáng và công bằng cho các nước đang phát triển. Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và có "ý chí chính trị lớn hơn" để nâng tham vọng hành động khí hậu, đồng thời hối thúc các quốc gia "gác lại những khác biệt chính trị" liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine để thúc đẩy hợp tác tiến tới các hành động vì khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Ai Cập cũng kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển, nhất là các quốc gia châu Phi, trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm tại COP27 là lần đầu tiên "bồi thường khí hậu" được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị.

"Bồi thường khí hậu" chỉ việc các quốc gia giàu có, phát thải nhiều có trách nhiệm bồi thường cho các quốc gia đang phát triển, phát thải ít, nhưng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu do vị trí địa lý. Vào năm 2021, các nước giàu cam kết cung cấp 40 tỷ USD/năm đến năm 2025 để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một báo cáo của Liên hiệp quốc ước tính con số này chưa đến 1/5 nhu cầu thực tế của các nước đang phát triển. Điều này thúc đẩy lời kêu gọi một khoản tiền bồi thường riêng để giúp các nước nghèo khắc phục thiệt hại của các thảm họa khí hậu.

Hiện có nhiều ý kiến xung quanh việc các nước giàu nên lấy tiền từ đâu để chi cho chính sách bồi thường khí hậu. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu đang kêu gọi đánh thuế lợi nhuận tăng bất thường của các công ty năng lượng.

Vấn đề bồi thường khí hậu là rất cấp thiết, nhưng để đạt được sự nhất trí của các nước giàu là chưa thể một sớm một chiều. Bởi cam kết chi 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm cho các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu phải thực hiện từ năm 2020, nhưng hiện cam kết này có thể phải lùi sang năm 2023. Việc đàm phán sẽ mất thời gian, nhưng có thể thấy quyết tâm của nước chủ nhà Ai Cập tại COP27 năm nay trong việc đưa ra những vấn đề mới để cùng nhau thảo luận và tìm kiếm trách nhiệm lớn hơn của những nước phát thải nhiều.

Trong lúc chờ đợi các khoản bồi thường khí hậu này, các quốc gia sẽ cần tới có các công cụ khác để huy động tài chính khí hậu, chẳng hạn như thuế carbon, quỹ khí hậu hoặc thu hút tài chính xanh.

Nhiều giải pháp chống biến đổi khí hậu

Ngày 7/11, tại COP27, các nhà lãnh đạo từ gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế đã mắt Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán. Liên minh được thành lập theo đề xuất của Senegal và Tây Ban Nha. Liên minh cũng sẽ hợp tác với các nền tảng khác, bao gồm sáng kiến do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổ chức Khí tượng thế giới đưa ra, nhằm đạt được những lợi ích tối đa khi cùng hợp tác về khả năng chống chịu hạn hán.

Liên hiệp quốc ngày 8/11 đã công bố khởi động Sáng kiến thị trường carbon châu Phi (ACMI). ACMI đã công bố một tham vọng táo bạo đối với lục địa châu Phi nhằm đạt mục tiêu sản xuất hằng năm 300 triệu tín chỉ carbon vào năm 2030. Mức sản xuất này dự kiến sẽ mang lại doanh thu 6 tỷ USD và hỗ trợ việc làm cho khoảng 30 triệu người. Nhiều quốc gia châu Phi bao gồm Kenya, Malawi, Gabon, Nigeria và Togo đã chia sẻ cam kết hợp tác với Sáng kiến ACMI để mở rộng quy mô sản xuất tín chỉ carbon thông qua các kế hoạch kích hoạt thị trường carbon tự nguyện.

 

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.