Hội nghị Thượng đỉnh G20: Phối hợp hành động hướng tới sự phục hồi toàn cầu mạnh mẽ
Trong hai ngày 15 và 16/11, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 đã diễn ra tại Bali (Indonesia). Các nước thành viên G20 hiện chiếm khoảng 60% dân số và 80% quy mô nền kinh tế thế giới.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt thách thức từ khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng đến cạnh tranh Trung - Mỹ và cuộc xung đột ở Ukraine. Triển vọng hợp tác giữa các quốc gia chưa có nhiều tín hiệu lạc quan, trong khi mâu thuẫn giữa Mỹ và nhiều nước với Trung Quốc, Nga ngày càng tăng. Một số quốc gia cử đại diện ở cấp độ thấp hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới Indonesia mà cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov tham dự, dù Moscow trước đó từng cho biết ông Putin có kế hoạch tới Indonesia. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến.
Các đại biểu tham dự một phiên họp trong Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 16/11. |
Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đang hứng chịu “bão” lạm phát gây nhiều thiệt hại. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày càng xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy triển vọng kinh tế sẽ ảm đạm hơn, đặc biệt là ở châu Âu. Các chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang có dấu hiệu yếu đi tại hầu hết các nền kinh tế G20 vì lạm phát vẫn rất cao. Cũng theo IMF, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy lạm phát leo thang, trong khi lạm phát cao kéo dài sẽ tiếp tục dẫn tới chính sách tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến, qua đó siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.
Chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, các nhà lãnh đạo cùng thảo luận một số vấn đề ưu tiên, trong đó có an ninh lương thực và năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số. Một số vấn đề khác cũng được đề cập, từ đại dịch COVID-19 tới cuộc xung đột tại Ukraine. Sau hai ngày làm việc, hội nghị đã ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong đó nhấn mạnh các nỗ lực chung và biện pháp phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Theo đó, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện các hành động cụ thể, chính xác, nhanh chóng và cần thiết, sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để giải quyết các thách thức chung. G20 cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển - nhất là các quốc đảo nhỏ và kém phát triển - ứng phó với các thách thức toàn cầu và đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
G20 sẽ tăng đầu tư công và tiến hành cải cách cơ cấu, thúc đẩy đầu tư tư nhân, thương mại đa phương và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi bền vững và bao trùm, xanh và công bằng.
Tuyên bố nhấn mạnh G20 cũng sẽ duy trì ổn định tài chính và vĩ mô; thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng; hỗ trợ ổn định thị trường, cung cấp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu nhằm giảm tác động của việc tăng giá; tăng cường thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực dài hạn, cũng như các hệ thống năng lượng, phân bón và lương thực có khả năng ứng phó và bền vững.
G20 cũng sẽ mở rộng hơn nữa đầu tư cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các nước đang phát triển khác thông qua nhiều nguồn và công cụ tài chính sáng tạo hơn nhằm hỗ trợ đạt được các SDG; đồng thời yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương huy động và cung cấp bổ sung tài chính để hỗ trợ đạt được các SDG và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Bày tỏ lo ngại sâu sắc trước các thách thức an ninh lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn do các xung đột và căng thẳng hiện nay, G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để cứu sống, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng, đồng thời kêu gọi nhanh chóng chuyển đổi hướng tới các hệ thống và chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm bền vững và có khả năng ứng phó. G20 hoan nghênh việc ký kết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên hiệp quốc về thúc đẩy các sản phẩm lương thực, phân bón của Nga ra thị trường thế giới, việc phân bố không gián đoạn các sản phẩm lương thực.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hiện nay, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cấp thiết nhanh chóng chuyển đổi và đa dạng hóa các hệ thống năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng, khả năng ứng phó và ổn định thị trường, bằng cách đẩy nhanh và đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, với giá cả phải chăng và bao trùm, cũng như dòng đầu tư bền vững.
Về chuyển đổi năng lượng, G20 nhắc lại cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn, đồng thời kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết nhằm huy động khẩn cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, giúp hoàn thành mục tiêu của Công ước khung Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Liên quan đến xung đột Nga - Ukraine hiện nay, tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cần thiết duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định, nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các xung đột, các nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng.
Trên tinh thần “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn” của Chủ tịch G20 Indonesia năm 2022, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định quyết tâm phối hợp hành động nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới phục hồi toàn cầu mạnh mẽ, bao trùm, kiên cường và phát triển bền vững. |
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc