Sự hồi sinh mong manh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa thực hiện chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước kéo dài ba ngày, trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Joe Biden đón tiếp với lễ tân ở mức cao nhất, đồng thời là một trong số rất hiếm lãnh đạo nước ngoài hai lần được hưởng nghi thức này.
So với lần trước, chuyến công du lần này của Tổng thống Macron diễn ra khi tình hình thế giới và châu Âu thay đổi rất lớn. Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm đảo lộn trật tự an ninh khu vực. Trọng tâm chiến lược châu lục đã chuyển dịch từ Tây Âu sang Đông Âu, vai trò của Mỹ đối với an ninh châu lục gia tăng, ảnh hưởng của Pháp trong Liên minh châu Âu (EU) suy giảm đáng kể. Cả Mỹ và Pháp đang phải đối phó với hàng loạt khó khăn kinh tế do sự kết hợp của lạm phát và hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra, có thể đẩy hai nước vào nguy cơ suy thoái trong năm tới.
Trên bình diện thế giới, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, công nghệ cho đến địa chiến lược. Châu Âu cố gắng tránh bị kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, loay hoay tìm lối đi giữa hai siêu cường mới, cố gắng bảo vệ lợi ích và trật tự thế giới do họ góp công tạo ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tại cuộc gặp ở Washington, DC, Mỹ, ngày 1/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong điều kiện đó, vấn đề trung tâm của các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo là vượt qua được cuộc khủng hoảng niềm tin. Quan hệ hai nước đã trải qua một giai đoạn khó khăn sau khi Mỹ, Anh, Australia công bố thỏa thuận AUKUS khiến Pháp mất hợp đồng cung cấp tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD cho Australia.
Sự kiện này không chỉ gây bất bình trong chính giới Pháp, mà còn khoét sâu sự nghi kỵ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Từ đó đến nay, nhờ những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden, hai bên từng bước cải thiện quan hệ nhưng những hệ lụy của sự kiện này vẫn còn dai dẳng.
Thêm vào đó, việc chính quyền Tổng thống Biden ban hành Đạo luật giảm lạm phát (IRA), dự trù những khoản trợ cấp hào phóng cho các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, chống biến đổi khí hậu đặt cơ sở trên lãnh thổ Mỹ làm cho EU lo ngại, cho rằng đó là hành vi bảo hộ mậu dịch, ảnh hưởng đến thương mại song phương trong lúc châu Âu đang rất cần thị trường để giải quyết khó khăn.
Ngay sau khi đến Mỹ, phát biểu trước cộng đồng người Pháp, Tổng thống Macron đã chỉ trích đạo luật IRA, cho rằng chương trình hỗ trợ kinh tế của Mỹ có nguy cơ “chia cắt phương Tây”, biến Pháp, châu Âu thành “nhân tố phụ” trong cạnh tranh Mỹ - Trung.
Vì những lý do đó, chuyến thăm của Tổng thống Macron tới Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt. Cách đây 4 năm, những cái bắt tay thắm thiết và cử chỉ hữu nghị của cựu Tổng thống Donald Trump và ông Macron thoạt tiên tạo ra cảm giác quan hệ song phương chuẩn bị bước vào tuần trăng mật, nhưng cuối cùng Tổng thống Pháp đã không thể thuyết phục được ông Trump từ bỏ cách tiếp cận đơn phương trong quan hệ với đồng minh. Sự đón tiếp hào nhoáng sẽ chỉ có ý nghĩa khi đi kèm với những cam kết cụ thể đáp ứng được mối quan tâm của Pháp và châu Âu.
Căn cứ vào tuyên bố chung và những cam kết đưa ra trong các cuộc tiếp xúc lần này, có thể thấy Tổng thống Macron đã phần nào hài lòng với những mục tiêu ban đầu. Thông cáo chung giữa hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh, đối tác châu Âu phối hợp có thể đối phó tốt hơn với những thách thức lớn, phát huy tốt hơn cơ hội. Hai bên khẳng định chia sẻ tầm nhìn chung về việc củng cố an ninh, tăng cường thịnh vượng trên toàn thế giới, chống biến đổi khí hậu.
Ngoài việc tái khẳng định cam kết vững chắc đối với hệ thống an ninh và phòng thủ tập thể, bao gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hai nhà lãnh đạo thừa nhận sự cần thiết phải có nền quốc phòng châu Âu mạnh hơn, có năng lực hơn, đóng góp tích cực vào an ninh hai bờ Đại Tây Dương và bổ sung cho NATO. Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ chính trị, an ninh, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine “chừng nào nước này còn cần thiết”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Washington DC., ngày 1/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ và Pháp khẳng định là những cường quốc khu vực, tiếp tục củng cố quan hệ đối tác để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự thế giới dựa trên luật pháp, bao gồm tự do đi lại. Hai bên nhất trí sẽ gia tăng hợp tác thực tế để bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực. Phía Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ và đóng góp vào các hoạt động triển khai của Pháp, EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương là phản ứng của EU đối với Đạo luật IRA của Mỹ. Tuyên bố chung cho biết Mỹ và EU sẽ thành lập nhóm chuyên trách để củng cố quan hệ đối tác song phương về năng lượng sạch và khí hậu nhằm có lợi cho cả hai. Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Biden cho biết Mỹ có thể xem xét miễn trừ áp dụng điều khoản của IRA cho một số đồng minh và đối tác có hiệp định tự do thương mại với nước này.
Nhìn tổng thể, những kết quả đạt được sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo đã phần nào đáp ứng được trông đợi của hai bên. Tuy nhiên, cam kết là một chuyện, việc cụ thể hóa những ý tưởng đề ra bằng những biện pháp cụ thể là chuyện khác.
Sau cuộc bầu cử giữa kỳ, chính quyền Tổng thống Biden và đảng Dân chủ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, bao gồm nguy cơ suy thoái kinh tế, tình trạng lạm phát cao có dấu hiệu kéo dài. Tình thế đó không thuận lợi để Washington đưa ra những nhượng bộ lớn cho châu Âu.
Về phía Pháp nói riêng và EU nói chung, mặc dù nhấn mạnh quan hệ đồng minh, EU có xu hướng không muốn theo Mỹ, nhất là không chấp nhận logic đối đầu trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nghi lễ trang trọng, những cái bắt tay và vỗ vai nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo là màn thể hiện tuyệt vời về sự gắn bó giữa hai cường quốc có bề dày quan hệ hơn 200 năm, minh chứng cho sự hồi sinh của quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sau nhiệm kỳ sóng gió của cựu Tổng thống Trump.
So với chuyến công du Mỹ cách đây 4 năm, Tổng thống Biden đã cho thấy sự chân thành, thiện chí hơn khi tiếp xúc với nhà lãnh đạo Pháp. Thế nhưng trong bối cảnh quan hệ phức tạp ở phương Tây, khó có thể hình dung Mỹ và Pháp hay EU sẽ vượt qua được những mâu thuẫn có tính chất hệ thống để đối phó với những thách thức mới nổi. Mặc dù dư vị từ trái đắng AUKUS dần dần nguôi, EU chưa thể yên tâm khi kịch bản một tổng thống Mỹ mới, phiên bản khác của tỷ phú Trump, bước chân vào Nhà Trắng sẽ lại tái hiện trong 2 năm nữa.
Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình, cố gắng tránh bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đến chừng mực nào có thể. Pháp, EU sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ tại những khu vực tiềm ẩn nhiều thách thức lớn, đặc biệt là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng đồng thời vẫn thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện của riêng mình. Vừa phải hiện diện trên con tàu đang tiến về phía trước để không phải đứng ngoài, Paris vẫn để ngỏ con đường riêng. Sự hồi sinh của mối quan hệ đồng minh lâu đời Pháp - Mỹ do vậy vẫn còn rất mong manh.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc