Châu Âu cảnh giác trước nguy cơ "chạy đua trợ giá" với Mỹ
Mối quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình trạng căng thẳng khi nhiều nước châu Âu phản ứng với chính sách mới của Mỹ về trợ cấp chống biến đổi khí hậu, dưới hình thức Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành hồi tháng 8/2022.
Theo đó, 7 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), thuộc khu vực Bắc và Đông Âu, vừa đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua với Mỹ trong vấn đề trợ giá liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát.
Trước đó, hồi giữa tháng 1 vừa qua, Ủy ban châu Âu cũng đã lên tiếng cho rằng chính sách hỗ trợ giá này sẽ khiến các công ty châu Âu khó cạnh tranh hơn và có thể chuyển hướng đầu tư khỏi khối, dẫn tới các tác động tiêu cực đến thị trường và làm phân mảnh chuỗi cung ứng quan trọng. Vậy nguyên nhân nào khiến các nước châu Âu lại có những phản ứng gay gắt như vậy và châu Âu sẽ có biện pháp ứng phó ra sao để giảm những tác động tiêu cực từ chính sách hỗ trợ này của Mỹ.
Vì sao châu Âu phản ứng gay gắt trước Đạo luật Giảm lạm phát?
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8/2022, nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế ít carbon, bằng cách giảm thuế và trợ cấp cho các công ty sản xuất và sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo từ ô tô điện đến máy bơm nhiệt rồi thiết bị điện cảm ứng.
Khi mới tiếp cận Đạo luật này, nhiều người nghĩ đó là những biện pháp cần thiết và cũng là bước đi phù hợp của chính quyền Mỹ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết từng điều khoản thì Đạo luật đã khiến giới chức EU phải lo ngại và đã có những phản ứng ban đầu khá gay gắt.
Có nhiều lý do khiến EU không muốn chào đón Đạo luật của Mỹ bao gồm các yếu tố lịch sử về cuộc chiến thương mại trên thế giới giữa các cường quốc Mỹ, Trung Quốc và EU... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu được cho là do EU lo ngại rằng, đạo luật này có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và gây ra một cuộc đua về trợ giá.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. |
Lo lắng và phản ứng của giới chức EU là điều có thể hiểu được bởi theo Đạo luật, các công ty sản xuất và sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo trong một số lĩnh vực như ô tô điện, máy bơm nhiệt… sẽ được nhận các khoản giảm thuế và trợ cấp nếu sản phẩm đó được sản xuất ở Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho rằng chính sách hỗ trợ này sẽ khiến các công ty châu Âu khó cạnh tranh hơn và có thể chuyển hướng đầu tư khỏi khối. Đây là sự phân biệt đối xử với các nhà sản xuất ô tô của châu Âu, vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đe dọa đầu tư vào châu Âu. Những ưu đãi đó đặt các công ty châu Âu vào thế bất lợi trước các đối thủ Mỹ, xa hơn họ có thể mất cả việc làm và nhà máy sản xuất vào tay Mỹ.
Giới phân tích cho rằng các khoản trợ cấp trong Đạo luật này đang tạo lợi thế cho các nhà sản xuất Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như ô tô. Một số nhà lãnh đạo EU cho rằng châu Âu sẽ phải cải thiện khả năng thu hút đầu tư và tính cạnh tranh của các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp số và chuyển đổi xanh.
Dù thừa nhận mục tiêu của Đạo luật là tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lưu ý rằng, các khoản trợ cấp theo đạo luật cho ngành công nghiệp Mỹ có nguy cơ gây tổn hại đối với các doanh nghiệp châu Âu.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cũng bày tỏ lo ngại Đạo luật sẽ tác động tiêu cực đến thị trường và làm phân mảnh chuỗi cung ứng quan trọng. Bà cũng chỉ trích kế hoạch của Mỹ là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ và có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua trợ cấp - một cuộc chiến thương mại không có lợi cho EU.
Giải pháp của châu Âu
Trong khi Washington và Brussels tiếp tục đàm phán về các biện pháp khả thi để giảm thiểu tác động đối với các doanh nghiệp EU và tránh chiến tranh thương mại, lãnh đạo Liên minh châu Âu cho rằng cần có các biện pháp để duy trì khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của châu Âu cũng như giảm sự phụ thuộc vào các nước thứ ba đối với các nguồn cung cấp thiết yếu trong mọi trường hợp.
Trong các kết luận được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh gần đây, các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách công nghiệp đầy tham vọng của châu Âu nhằm giúp châu Âu sẵn sàng chuyển đổi xanh và giảm sự phụ thuộc trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Ảnh minh họa. |
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tái khẳng định mục đích các biện pháp này để bảo vệ cơ sở kinh tế, công nghiệp và công nghệ của châu Âu tại thời điểm hiện nay khi đang hứng chịu các cú sốc về giá năng lượng và để duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu của châu Âu.
Trên thực tế, các ngành công nghiệp ở các nước châu Âu cũng đã được nhận một khoản trợ cấp nhất định, đặc biệt ở một số quốc gia đứng đầu EU như Đức, Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nhiên, để ngăn chặn các tác động tiêu cực từ Đạo luật này đối với châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen nhấn mạnh châu Âu cần phản ứng theo các cách thức sau: Trước hết là mở rộng các quy tắc viện trợ từ mỗi quốc gia.
Trong trung hạn, châu Âu cần một giải pháp mang tính tái cấu trúc với hình thức một chính sách công nghiệp ở diện rộng dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng đưa ra ý tưởng về thiết lập một sự hợp tác giữa Mỹ và các đối tác để đảm bảo độ tin cậy, tính minh bạch, điều kiện công bằng, giá trị ở quốc gia về nguyên liệu thô. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi của EU sang năng lượng xanh.
Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vừa được tổ chức vào tháng 1/2023, chủ tịch Ủy ban châu Âu đã đề xuất tạo ra một Kế hoạch công nghiệp Thỏa thuận xanh với 4 trụ cột là môi trường pháp lý; tài chính; kỹ năng và thương mại. Theo đó, tập trung vào Đạo luật về công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0, mô phỏng đạo luật chip nhằm xác định các mục tiêu công nghệ sạch của châu Âu vào năm 2030, đẩy nhanh quy trình cấp phép và được áp dụng song hành với đạo luật về nguyên liệu thô quan trọng được đề xuất.
Bên cạnh đó, điều chỉnh tạm thời các quy tắc hỗ trợ tại các quốc gia thành viên của EU, bao gồm các mô hình ưu đãi thuế đơn giản. Để tránh gây ra tình trạng phân tán thị trường chung của khối, dự kiến vào cuối năm 2023, EU sẽ thành lập một quỹ đầu tư của khối như một phần nằm trong đánh giá giữa kỳ về Khuôn khổ Tài chính dài hạn (MFF) của EU.
Vấn đề tiếp theo là ưu tiên phát triển các kỹ năng cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong Năm Kỹ năng châu Âu. Cuối cùng là tạo thuận lợi cho thương mại mở và công bằng với một chương trình nghị sự thương mại đầy tham vọng với nhiều quốc gia ở khắp các châu lục.
Thử thách liên minh xuyên Đại Tây Dương
Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu trở nên khăng khít hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự ngờ vực đang hình thành sau khi Mỹ đưa ra Đạo luật Giảm lạm phát bởi nó khuyến khích người Mỹ mua hàng Mỹ (Buy American), đặc biệt đối với một mặt hàng là xe ô tô điện do các công ty Mỹ sản xuất.
Đối với phía châu Âu, đây rõ ràng là các chính sách bảo hộ công khai của chính quyền Mỹ đối với một số ngành công nghiệp của nước này giúp các công ty Mỹ có được lợi thế cạnh tranh không bình đẳng trước các công ty châu Âu, trong một loạt các lĩnh vực, từ chế tạo pin xe ô tô điện cho đến năng lượng xanh. Giấc mơ của châu Âu về việc xuất khẩu số lượng lớn xe điện sang Mỹ hoặc ít nhất là thu hút một phần trong đầu tư xe điện toàn cầu càng trở nên khó khả thi.
Phản ứng cụ thể của châu Âu đối với Đạo luật của Mỹ có thể được công bố tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên EU vào ngày 9 và 10/2, trong đó các chủ đề chính sẽ là di cư và khả năng cạnh tranh toàn cầu của EU. Thụy Điển, quốc gia đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu trong 6 tháng, nhấn mạnh rằng hợp tác xuyên Đại Tây Dương sẽ là một trong những ưu tiên chính.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, giới phân tích cho rằng sự bất đồng này có thể dẫn tới cuộc chiến thương mại Mỹ - châu Âu, mà đó là điều không bên nào mong muốn trong bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay. Châu Âu đang cần tăng cường đoàn kết để đối phó với cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine mặc dù còn gặp nhiều bất đồng trong nội khối.
Chưa kể đến những tác động lớn của nó về kinh tế trên toàn châu lục, châu Âu đang phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng cao, do đó với mỗi quyết định đòi hỏi nguồn trợ cấp lớn cho các lĩnh vực có thể gây ra những hệ lụy khác thậm chí là cả sự phẫn nộ của các thành viên nghèo hơn mức trung bình của khối.
Hơn hết, trong thời điểm hiện nay cả Mỹ và châu Âu đang cùng hướng đến mục tiêu giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine do đó nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Âu xảy ra, chắc chắn gây tổn hại cho cả hai bên và khiến sự đoàn kết này bị lung lay, đó là điều cả Mỹ và châu Âu không hề mong muốn.
Với thực tế hiện tại, có lẽ châu Âu sẽ thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn với Mỹ, tập trung vào đa dạng hóa thương mại và tạo chiều sâu thị trường chung thay vì sử dụng chủ nghĩa bảo hộ. Châu Âu hoàn toàn có thể tránh những phản ứng thái quá với các chính sách của Mỹ đồng thời chứng tỏ mình là điểm đến ổn định hơn cho hoạt động kinh doanh so với một nước Mỹ đang bị phân cực về chính trị.
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc