Multimedia Đọc Báo in

Leo thang bạo lực ở Trung Đông

06:07, 04/02/2023

Các vụ bạo lực và tấn công giữa người Israel và người Palestine gần đây khiến tháng 1/2023 đã trở thành tháng đẫm máu nhất tại Bờ Tây và Jerusalem. Cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, kêu gọi các bên kiềm chế và tìm giải pháp bền vững cho hòa bình tại khu vực này.

Vòng xoáy bạo lực

Đợt căng thẳng mới nhất bắt đầu từ ngày 26/1, khi quân đội Israel thực hiện một cuộc đột kích - được cho là nhằm chống khủng bố - vào một trại tị nạn ở thành phố Jenin, khiến 9 người Palestine thiệt mạng.

Cùng ngày, một người đàn ông Palestine bị binh lính Israel bắn chết tại thị trấn al-Ram, phía Bắc Jerusalem, đánh dấu một trong những ngày đẫm máu nhất ở khu vực Bờ Tây.

Đến tối 27/1, một tay súng người Palestine đã xả súng vào đám đông các tín đồ Do Thái bên ngoài một giáo đường tại khu định cư Neve Yaakov ở Jerusalem, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và 10 người bị thương.

Trong vòng 24 giờ sau đó liên tiếp xảy ra 3 vụ tấn công khác nhằm vào người Israel. Cảnh sát Israel sau đó đã mở một cuộc càn quét lớn tại Bờ Tây và bắt giữ hàng chục đối tượng người Palestine, đồng thời áp dụng một loạt biện pháp mạnh.

Xung đột tôn giáo dai dẳng liên quan đến các khu vực linh thiêng của cả người Hồi giáo và Do Thái tại thành phố Jerusalem như bị đổ thêm dầu sau khi chính phủ mới của Israel lên nắm quyền với những chính sách cứng rắn nhằm vào người Palestine.

Đặc biệt, chính trị gia Ben Gvir của đảng tôn giáo cực hữu ngay sau khi nhậm chức đã tới thăm "điểm nóng" tranh chấp Núi Đền theo cách gọi của Israel, hay đền Al-Aqsa theo cách gọi của người Hồi giáo, khiến cộng đồng Arab trong khu vực dậy sóng.

Trong khi đó, lực lượng an ninh Israel tại Bờ Tây triển khai chiến dịch truy quét mang tên “Kè chắn” và tuần nào cũng có ít nhất một người Palestine thiệt mạng. Chiến dịch này được Israel thực hiện suốt 10 tháng qua, sau khi xảy ra các vụ tấn công do một số phần tử cực đoan người Palestine thực hiện nhằm vào người Israel, ngay tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó là các vụ bạo lực xảy ra giữa binh sĩ Israel hoặc người Do Thái sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây với người Palestine bản địa. Trong một số trường hợp, nạn nhân người Palestine bị bắn được cho là có ý định tấn công lực lượng an ninh Israel, nhưng cũng có không ít vụ nạn nhân là dân thường, bao gồm phụ nữ và trẻ em.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 28/1, chính quyền Palestine (PA) cho rằng tình trạng leo thang nghiêm trọng hiện nay xuất phát từ việc Israel tiếp tục xây khu định cư, sáp nhập đất đai và phá hủy nhà cửa của người Palestine, “hậu quả của sự vi phạm cam kết về thực hiện các thỏa thuận hòa bình đã ký và vi phạm các nghị quyết quốc tế”.

Trong khi đó, tại cuộc họp nội các khẩn cấp sau vụ tấn công tại thánh đường Do Thái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố câu trả lời đối với các vụ tấn công nhằm vào Israel "là một bàn tay sắt và một phản ứng mạnh, nhanh và chính xác".

Đụng độ giữa quân đội Israel và người Palestine tại Bờ Tây. Ảnh: elbalad

Tìm giải pháp cho hòa bình bền vững ở Trung Đông

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Trung Đông, kêu gọi hạ nhiệt tình hình và hối thúc các bên kiềm chế.

Trong cuộc hội đàm ngày 31/1 tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh cần phải tái khởi động đàm phán giữa Israel và Palestine để giải quyết tình hình căng thẳng leo thang hiện nay.

Theo hãng tin TASS, phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov cho biết cả Moskva và Cairo đều quan ngại về “những động lực tiêu cực” trong tình hình ở khu vực xung đột Palestine - Israel.

Hai ngoại trưởng đều nhấn mạnh cần thiết phải khởi động lại cuộc đàm phán Palestine - Israel càng sớm càng tốt để giải quyết vấn đề mấu chốt về tư cách quốc gia của Palestine cũng như đạt được giải pháp toàn diện dựa trên khuôn khổ pháp lý được quốc tế công nhận.

Ngoại trưởng Nga cũng tái khẳng định cần phải sớm nối lại công việc của nhóm Bộ tứ trung gian hòa giải quốc tế (gồm Mỹ, Nga, Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu) cũng như phối hợp chặt chẽ với bất kỳ quốc gia Arab nào liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc khi đến nay vẫn chưa có tiến triển nào trong lĩnh vực này.

 

Cộng đồng quốc tế cho rằng cần phải tái khởi động đàm phán giữa Israel và Palestine để giải quyết tình hình căng thẳng leo thang hiện nay.

Ngày 30/1, trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Israel giữa lúc xung đột Israel - Palestine đang ở thời điểm nguy hiểm nhất trong nhiều năm qua.

Ông Blinken đã kêu gọi hai bên tránh các động thái làm gia tăng căng thẳng, khẳng định “đây là cách duy nhất để ngăn chặn làn sóng bạo lực đã cướp đi nhiều sinh mạng".

Ông Blinken nêu rõ Mỹ ủng hộ việc duy trì nguyên trạng của thành phố Jerusalem và kiên trì thực hiện giải pháp hai nhà nước là cách tốt nhất để khôi phục hòa bình giữa Israel và Palestine.

Cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều lên tiếng kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế bạo lực và giảm leo thang căng thẳng. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell bày tỏ “vô cùng lo ngại trước những căng thẳng đang gia tăng tại Israel và vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”, đồng thời kêu gọi hai bên làm mọi điều có thể nhằm giảm leo thang tình hình và khởi động lại quan hệ hợp tác an ninh như một thành tố quan trọng nhằm ngăn chặn bạo lực tiếp diễn.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết nước này đang theo dõi sát tình hình và kêu gọi các bên, đặc biệt là Israel, cần bình tĩnh và không để bạo lực vượt tầm kiểm soát.

Thông cáo trên cho rằng, xung đột tái diễn là do giải pháp hai nhà nước không được thực hiện và cộng đồng quốc tế luôn từ chối nguyện vọng chính đáng lâu nay của người Palestine là thành lập một nhà nước độc lập, đồng thời kêu gọi những hành động khẩn trương tạo điều kiện nối lại hòa đàm giữa Palestine và Israel, hướng tới một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài.

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.