Multimedia Đọc Báo in

Nhật Bản ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

16:25, 14/02/2023

Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc hỗ trợ triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Phát biểu ngày 13/2 tại Hội nghị chuyên đề kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản tại Jakarta (Indonesia), Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, nước này sẽ thúc đẩy 3 trụ cột nhằm hỗ trợ triển khai AOIP.

Trước hết, Nhật Bản sẽ thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với 4 lĩnh vực ưu tiên của AOIP, bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khả thi khác.

Ông khẳng định, phía Nhật Bản sẽ làm việc với ASEAN để xác định các dự án cụ thể sẽ được công bố tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản diễn ra tại Tokyo vào tháng 12 tới.

Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN

Thứ hai, Nhật Bản sẽ hỗ trợ một số hoạt động và chức năng của Ban thư ký ASEAN nhằm thúc đẩy và triển khai AOIP thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực của cơ quan này. 

Thứ ba, Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trẻ cho các nước ASEAN và đang cân nhắc khởi động các chương trình mới để cung cấp các khóa đào tạo này.

Cùng với việc ủng hộ triển khai AOIP, Nhật Bản cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Cả hai sáng kiến này đều dựa trên các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, bao trùm và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nhật Bản là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN đưa ra tuyên bố chung về hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ AOIP vào năm 2020. Tuyên bố nhấn mạnh rằng, cả AOIP và FOIP đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Yoshimasa đánh giá các nguyên tắc của AOIP và FOIP “là những ý tưởng quan trọng trong kỷ nguyên mới này và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và ASEAN dựa trên các nguyên tắc đó ngày càng quan trọng”.

Theo ông, để góp phần duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền, AOIP cần được lồng ghép như một phần của hợp tác giữa ASEAN và tất cả các đối tác bên ngoài.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.