Multimedia Đọc Báo in

Những chuyến thăm cho thấy chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc

18:15, 21/02/2023

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ukraine để gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky ngày 20/2, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã đi theo hướng ngược lại là lên đường tới Nga.

Theo kênh CNN, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến Nga vào tuần này trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu kéo dài 8 ngày. Chuyến đi tập trung vào nỗ lực cân bằng ngoại giao của Trung Quốc kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine một năm trước.

Hai chuyến công du nói trên diễn ra chỉ vài ngày trước mốc cuộc xung đột ở Ukraine tròn một năm vào ngày 24/2 tới. Phóng viên Nectar Gan và Simone McCarthy tại kênh CNN đánh giá điều này cho thấy chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Munich, Đức ngày 18/2/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Munich, Đức ngày 18/2/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đi xuống mà gần đây nhất là do vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ, Trung Quốc và Nga vẫn gần gũi hơn bao giờ hết kể từ khi các nhà lãnh đạo hai nước tuyên bố tình hữu nghị “không giới hạn” một năm trước. Một phần khiến Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ là do quan điểm thù địch của Mỹ với cả hai nước.

Trong khi đó, tại Hội nghị An ninh Munich ngày 18/2, ông Vương Nghị đã ca ngợi cam kết hòa bình của Trung Quốc: “Chúng tôi không đổ thêm dầu vào lửa và chúng tôi phản đối gặt hái lợi ích từ cuộc khủng hoảng này… Một số lực lượng có thể không muốn thấy các cuộc đàm phán hòa bình thành hiện thực. Họ không quan tâm đến sự sống chết của người Ukraine, cũng như tác hại đối với châu Âu. Họ có thể có những mục tiêu chiến lược lớn hơn chính Ukraine. Cuộc chiến này không được tiếp tục”.

Ông Vương Nghị kêu gọi các quan chức châu Âu suy nghĩ về khung hòa bình lâu dài cho châu Âu và vai trò của châu Âu để thể hiện quyền tự chủ chiến lược của mình. Ngoài ra, ông tuyên bố Trung Quốc sẽ đưa ra đề xuất giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine vào dịp kỷ niệm một năm.

Tuy nhiên, các lãnh đạo phương Tây tỏ ra hoài nghi về phát biểu của ông Vương Nghị. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen nói với CNN ngày 18/2: “Chúng tôi cần thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc không hợp tác với Nga và hiện tại chúng tôi không thấy điều đó”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp ở Kiev ngày 20/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp ở Kiev ngày 20/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Những nghi ngờ như vậy càng tăng thêm khi các quan chức Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc đang xem xét tăng cường quan hệ đối tác với Nga thông qua hỗ trợ vũ khí sát thương. Cụ thể, tại Munich, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chia sẻ về mối lo ngại của Washington.

Ông Blinken nói: "Hiện nay, dựa trên thông tin mà chúng tôi có rằng họ (Trung Quốc) đang xem xét hỗ trợ (vũ khí) sát thương và chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng điều đó sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng cho chúng tôi và trong mối quan hệ của chúng tôi”.

Đáp lại những cáo buộc này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ: “Chính phía Mỹ, chứ không phải phía Trung Quốc, mới cung cấp một lượng vũ khí ổn định cho chiến trường… Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận Mỹ ra lệnh hoặc thậm chí gây áp lực lên quan hệ Trung - Nga”.

Về phần mình, trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine ngày 20/2, Tổng thống Joe Biden cho biết, chuyến thăm của ông nhằm tái khẳng định cam kết kiên định và không lay chuyển của Mỹ đối với nền dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Biden nói Nga đã sai lầm khi nghĩ Ukraine yếu ớt và phương Tây bị chia rẽ.

Nhân chuyến thăm Ukraine, thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD gồm đạn pháo, hệ thống chống tăng và radar giám sát trên không để bảo vệ bầu trời Ukraine tốt hơn. Nhà Trắng cũng nói rằng sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào các công ty và cá nhân hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.