Multimedia Đọc Báo in

Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO có kéo dài xung đột ở Ukraine?

18:20, 06/02/2023

Các chuyên gia vẫn nhận định trái chiều về tác động của việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đối với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Một trong những hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine là cả hai quốc gia Bắc Âu (Phần Lan và Thụy Điển) đã nộp đơn gia nhập NATO ngay lập tức.

Nga đã phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan có thể trở thành thành viên NATO, nhưng cả hai nước đều kiên quyết từ bỏ sự trung lập lâu đời của họ để trở thành một phần của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Dưới đây là nhận định của 2 chuyên gia hàng đầu với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc liệu Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO có khiến cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài hay không.

Giáo sư, Tiến sĩ Huseyin Bagci, Chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ và là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Kỹ thuật Trung Đông cho rằng, tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ không giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ngược lại, sự gia nhập của họ có thể kéo dài chiến tranh.

Theo Tiến sĩ Bagci, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể coi là một phần trong đại chiến lược của NATO. Kể từ khi nổ ra vào tháng 2/2022, nó đã thay đổi hoàn toàn mọi tính toán khu vực và toàn cầu tồn tại kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Đặc biệt, việc Phần Lan và Thụy Điển thúc đẩy ngay lập tức gia nhập NATO là do lo ngại về khả năng tăng cường hoạt động của Nga đối với các nước láng giềng khác. 

Khi gia nhập NATO, Thụy Điển sẽ từ bỏ 200 năm trung lập và Phần Lan hơn 70 năm, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử châu Âu. Do đó, việc đưa họ vào NATO sẽ không kết thúc xung đột. Ngược lại, nó sẽ đưa cuộc chiến sang một giai đoạn mới.

Nga sẽ có một đường biên giới mới dài 1.300 km với một quốc gia NATO, điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Moskva. Sự mở rộng của NATO sẽ thúc đẩy Nga triển khai thêm quân tới khu vực này và làm leo thang căng thẳng với liên minh.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến những thay đổi trong toan tính chiến lược của nhiều nước. Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến những thay đổi trong toan tính chiến lược của nhiều nước. Ảnh: Reuters

Theo các tuyên bố từ Moskva, việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO cũng có khả năng bùng phát thành một cuộc chiến tranh hạt nhân chiến thuật. Nhận xét của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về các mối đe dọa hạt nhân của Nga cho thấy khối này sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào có thể xảy ra.

Ông Stoltenberg đã cảnh báo Nga "rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân là không ai chiến thắng và do đó không bao giờ nên xảy ra". Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang rình rập châu Âu và tất cả các bên đều nhận thức được sự nguy hiểm.

Trên thực tế, quyết định gửi xe tăng Leopard 2 của Đức, Phần Lan và Na Uy, cũng như việc Mỹ chấp thuận giao xe tăng Abrams cho Ukraine, đã phá hủy mọi hy vọng đàm phán để chấm dứt xung đột.

Các cuộc thảo luận trong NATO giờ đây sẽ bao gồm việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine như một phần hỗ trợ quân sự của liên minh cho Kiev.

Do đó, việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO chắc chắn sẽ kéo dài chiến tranh, nhất là khi có vẻ như cả Ukraine và Nga đều chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Về phần mình, Tiến sĩ Tolga Sakman, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chính trị và Ngoại giao (DIPAM-Anh), lại nhận định việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan có thể giúp chấm dứt xung đột Ukraine.

Ông Sakman lưu ý NATO được cho là sẽ tiếp tục ngăn chặn cuộc tấn công của Nga mà không vướng vào một cuộc xung đột trực tiếp với Moskva. Để làm được điều này, NATO cần tăng cường năng lực quân sự, theo đuổi chính sách chính trị gắn kết và có năng lực ngoại giao hơn.

Theo đó Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn thuộc về cộng đồng các giá trị phương Tây, mà NATO cũng đại diện. Thực tế là cả Thụy Điển và Phần Lan đều được biết đến với tính trung lập và năng lực kinh tế. Việc là thành viên NATO sẽ không chỉ củng cố niềm tin của các thành viên trong khối mà còn mở ra một mặt trận mới chống lại Nga.

Nhiều người hy vọng rằng châu Âu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Với bối cảnh này, có thể dự đoán rằng cả Thụy Điển và Phần Lan, quốc gia có biên giới giáp Nga, sẽ tạo điều kiện cho NATO đóng vai trò tích cực hơn trong việc chấm dứt xung đột Ukraine.

Hiện năng lực quân sự của cả hai nước đều đã vượt quá tiêu chuẩn của NATO. Phần Lan đã tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP phù hợp với các mục tiêu của NATO, trong khi Thụy Điển đặt mục tiêu tương tự vào năm 2028.

Cả hai nước đã tăng chi tiêu cho phương tiện quân sự và đạn dược. Phần Lan đã ký thỏa thuận mua 64 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, trong khi Thụy Điển phát triển máy bay chiến đấu Gripen của riêng mình.

Hai nước cũng đã tăng cường tương tác với NATO kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, tham gia vào mọi cuộc họp về cuộc xung đột và trở thành một phần trong cơ chế phòng thủ của liên minh. Tư cách thành viên của họ cũng sẽ mang lại cho NATO một số lợi thế về địa lý so với Nga.

Đầu tiên, biên giới của Nga với NATO sẽ tăng hơn gấp đôi với việc bổ sung thêm 1.340 km. Đây sẽ là thách thức đặc biệt đối với Moskva vì Phần Lan có chung đường biên giới với khu vực chiến lược nhất của Nga về năng lực hạt nhân.

Ngoài ra, rõ ràng là các nước vùng Baltic sẽ nhận được sự hỗ trợ bổ sung khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Petersburg và Kaliningrad của Nga nằm ở vùng Baltic, dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh cho cả hai bên. Do đó, sự tham gia của họ sẽ thách thức năng lực phòng thủ của Nga và có thể buộc nước này phải chuyển sang một chiến lược mới.

Tất cả những điều này có nghĩa là Nga sẽ có nhiều khả năng nhượng bộ về mặt chiến lược và có xu hướng đàm phán nhiều hơn ở Ukraine để điều hướng quá trình chuyển đổi này hoặc thực hiện các biện pháp chống lại các mối đe dọa mới trên.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.