Khai mạc Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 9 tại Đức
Ngày 28/3, diễn đàn Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin (BETD) lần thứ 9 đã khai mạc tại thủ đô Berlin của Đức, lần đầu tiên thu hút sự tham gia của lãnh đạo và phái đoàn cấp cao đến từ trên 60 quốc gia trên thế giới.
Trong hai ngày diễn ra đối thoại có khoảng 2.000 khách mời từ gần 100 nước tham dự, trong đó có Việt Nam.
Đối thoại năm nay có chủ đề "Chuyển đổi năng lượng - Đảm bảo một tương lai xanh", trong đó các nhà lãnh đạo và giới chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và khoa học thảo luận về các chiến lược chuyển đổi thông minh hệ thống năng lượng toàn cầu hướng tới trung hòa về khí thải.
Các đại biểu cũng sẽ tập trung thảo luận nỗ lực chung và toàn cầu xây dựng một nguồn cung năng lượng bền vững, an toàn và độc lập; vai trò của năng lượng tái tạo trong một thế giới công bằng, ổn định về chính trị và thịnh vượng về kinh tế.
Bên cạnh đó, vấn đề tìm hướng đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng sẽ được quan tâm thảo luận trong bối cảnh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ đơn thuần nhằm mục tiêu bảo vệ khí hậu, mà còn góp phần củng cố an ninh và phát triển kinh tế. Dự kiến nhiều thỏa thuận song phương sẽ được ký kết tại diễn đàn nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác năng lượng và khí hậu giữa Đức với các đối tác.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN phát |
Phát biểu khai mạc đối thoại, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh rằng sự chuyển đổi mạnh mẽ sang nguồn năng lượng tái tạo không chỉ là điều cấp thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu, mà còn mang lại cơ hội kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp và các nước.
Bà khẳng định, Đức sẽ hỗ trợ các đối tác nắm bắt những cơ hội này, trong đó những nước đầu tư vào hydro xanh sẽ là người chiến thắng tiềm năng trong tương lai. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió ngay cả ở những khu vực đến nay còn thiếu điện sẽ tạo cơ hội giúp hàng triệu người trên thế giới thoát khỏi "bẫy nghèo".
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, điều cần làm lúc này là đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu để mọi người có thể hưởng lợi từ việc chuyển đổi, trong đó các nước công nghiệp lớn có trách nhiệm đặc biệt. Bà cho biết kể từ khi bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukraine, Đức đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và muộn nhất vào năm 2045 sẽ đạt trung hòa về khí thải.
Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, trong đó cần tìm cách để người dân, vốn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sinh kế trong nhiều thập kỷ qua, có thể hưởng lợi và có việc làm ngay cả trong lĩnh vực tái tạo hay sản xuất hydro.
Bà nhấn mạnh đây chính là lý do Chính phủ liên bang Đức ký kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước chủ chốt, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Kenya. Theo bà, mô hình này sẽ được mở rộng phù hợp với từng quốc gia liên quan.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức Robert Habeck - người sẽ tham dự và phát biểu trong ngày đối thoại thứ hai (29/3), nhấn mạnh mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C là điều khả thi với trình độ khoa học, công nghệ và công cụ hiện có.
Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng lúc này là cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, trong đó hợp tác quốc tế chặt chẽ là một trong những điều kiện tiên quyết. Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu đặt ra yêu cầu hợp tác chặt chẽ hơn, hướng tới sự chuyển đổi hệ thống năng lượng trung hoà về khí thải và khử carbon ở các ngành công nghiệp.
Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin diễn ra từ năm 2015 theo sáng kiến của Chính phủ Đức và được đồng tổ chức với Hiệp hội Năng lượng tái tạo liên bang (BEE), Hiệp hội Kinh tế năng lượng Mặt Trời liên bang (BSW Solar), Công ty Năng lượng Đức (DENA) và Công ty tư vấn năng lượng ECLAREON.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc