Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế Nga đón nhận nhiều tín hiệu tích cực giữa "rừng" trừng phạt của phương Tây

12:31, 31/03/2023

Trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn đón nhận những tín hiệu tích cực, bao gồm việc IMF nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023. 

Giảm nợ nước ngoài

Hãng thông tấn Tân Hoa ngày 29/3 đưa tin nợ nước ngoài của Moskva đã giảm còn 380,5 tỷ USD trong năm 2022 – mức thấp nhất trong vòng 15 năm. 

Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga, Tân Hoa cho biết, nợ nước ngoài của Nga đã giảm 21%, tương đương 101,8 tỷ USD, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017. 

Con số 21% trên là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2014, khi nợ nước ngoài của Nga giảm được 129 tỷ USD. 

“Nợ nước ngoài của Nga giảm chủ yếu là nhờ thanh toán các khoản vay, kể cả trong khuôn khổ quan hệ đầu tư trực tiếp và giảm nợ đối với trái phiếu chính phủ", ngân hàng trung ương này cho biết. 

Ngoài ra, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga trong cán cân thanh toán năm 2022 lên tới 233 tỷ USD, gần gấp đôi con số của năm 2021.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục

Cũng trong ngày 29/3, Tổng thống Vladimir Putin cũng chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục và tiền lương thực tế cao hơn là bằng chứng cho thấy nền kinh tế của Nga đang phục hồi, bất chấp nhu cầu tiêu dùng và sản lượng công nghiệp giảm xuống trong tháng 2. 

Theo hãng tin Reuters, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nga đã kiên cường một cách bất ngờ khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây vào năm ngoái.

Dữ liệu từ dịch vụ thống kê liên bang Rosstat cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Nga giảm xuống 3,5% trong tháng 2 và là mức thấp kỷ lục, trong khi tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát, tăng 0,6% trong tháng 1.

"Thất nghiệp ở Nga vẫn ở mức thấp kỷ lục, tuy nhiên điều này không có nghĩa là tất cả các vấn đề trên thị trường lao động đã được giải quyết", ông Putin phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ, đề cập đến các vấn đề xung quanh chất lượng của một số công việc và các khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình.

Doanh thu bán dầu đạt mức cao mới

Tuần qua, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov tuyên bố Moskva đã chuyển hướng thành công toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu thô, vốn bị thị trường phương Tây từ chối, sang các quốc gia thân thiện. 

Đồng ruble của Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Đồng ruble của Nga. Ảnh: THX/TTXVN

"Hôm nay, tôi có thể nói rằng chúng tôi đã chuyển hướng toàn bộ khối lượng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận. Doanh số bán hàng không hề giảm", Bộ trưởng Shulginov phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ngày 27/3. 

Thay vì đến châu Âu sau khi lệnh cấm các sản phẩm dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào ngày 5/2, các lô hàng dầu diesel của Moskva hướng đến châu Phi, châu Á, Trung Đông.

Đáng chú ý, Nga sẽ đạt mức cao kỷ lục mới về xuất khẩu dầu diesel sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi vào tháng 3, khi các thương nhân tìm đến các thị trường này để thay thế cho khu vực châu Âu.

Theo dữ liệu của Refinitiv, các chuyến hàng dầu diesel từ các cảng Baltic và Biển Đen của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá 1,2 triệu tấn trong tháng 3 (tính đến ngày 27/3), vượt mức 0,8 triệu tấn được ghi nhận trong tháng trước đó.

Các cảng Baltic của Nga đã trung chuyển ít nhất 300.000 tấn dầu diesel đến Brazil trong tháng này, nhiều hơn mức 205.000 tấn của cả tháng 2, các số liệu cho thấy.

Và Nga cũng đã tăng nguồn cung dầu diesel cho các nước châu Phi, các nguồn tin thị trường cho biết thêm. Một thương nhân nêu rõ: “Châu Phi rõ ràng sẽ mua một lượng đáng kể dầu diesel của Nga”.

Theo dữ liệu của Refinitiv vào tháng 3, khoảng 200.000 tấn dầu diesel từ các cảng do Nga kiểm soát đã được vận chuyển đến Libya, khoảng 165.000 tấn đến Algeria và 100.000 tấn đến Tunisia. Những khách hàng nhận khác bao gồm Nigeria, Ghana, Senegal và Maroc.

Ấn Độ là khách hàng lớn nhất mua dầu thô loại Urals chuẩn của Nga trong tháng 3. Các chuyến giao hàng đến Ấn Độ sẽ chiếm hơn 50% tổng số hàng xuất khẩu bằng đường biển của Urals trong tháng này, với Trung Quốc ở vị trí thứ hai.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết doanh số bán dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 22 lần vào năm ngoái, nhưng ông không nói rõ khối lượng đã bán.

Ông Novak cho biết doanh thu năng lượng chiếm 42% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2022, tăng từ 36% vào năm 2021. Do đó, ông khẳng định năng lượng của Nga vẫn bền vững, bất chấp thách thức từ lệnh trừng phạt của phương Tây

Dự trữ vàng tăng

Đài RT cho biết trong lần công bố cuối cùng vào tháng 2/2022, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo đang nắm giữ tổng cộng 73,9 triệu ounce vàng. Nhưng theo bản cập nhật mới nhất hôm 23/3, tính đến ngày 1/3, dự trữ vàng của Nga đã tăng thêm 1 triệu ounce, lên 74,9 triệu ounce và có tổng giá trị là 135,6 tỷ USD.

Sau khi phân tích dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, hãng RIA Novosti cho biết trong khoảng một năm, tỷ lệ vàng trong dự trữ của Nga đã tăng lên mức 23,62%, trong khi tỷ lệ ngoại tệ giảm xuống còn 76,38%.

Cùng theo thông báo trên, tổng lượng ngoại tệ và vàng mà Nga nắm giữ đã giảm 43 tỷ USD, từ mức 617 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái xuống còn 574 tỷ USD, thấp hơn 69,2 tỷ USD so với mức cao nhất lịch sử là 643,2 tỷ USD đạt được ngay trước khi xung đột với Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022.

Điều đáng nói là sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, phương Tây đã đóng băng nhiều tài sản của Nga, bao gồm một nửa dự trữ ngoại hối.

Phần còn lại bao gồm vàng và ngoại tệ được giữ trong nước, cũng như tài sản bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Moskva đã nhiều lần gọi việc đóng băng tài sản của mình là hành vi trộm cắp và nhấn mạnh rằng điều này trái với luật pháp quốc tế.
IMF nâng dự báo tăng trưởng

Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2023 và cho rằng việc áp trần giá dầu sẽ không làm giảm doanh thu tài chính của Moskva.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất này, IMF đồng thời điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 từ mức suy giảm 2,3% đưa ra hồi tháng 10/2022 lên tăng trưởng dương 0,3% và đối với năm 2024 là từ mức suy giảm 2,1% đưa ra hồi tháng 10/2022 lên tăng trưởng dương 2,1%.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, mức giá trần đối với dầu thô Nga vận chuyển qua đường biển do Nhóm Các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia đặt ra và có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu thô của nước này.

Nguyên nhân là do hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga được chuyển hướng từ các quốc gia đã áp dụng lệnh trừng phạt sang các quốc gia chưa áp đặt chúng.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.