Multimedia Đọc Báo in

Liên hiệp quốc và Ukraine kêu gọi gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

09:05, 09/03/2023

Ngày 8/3, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, trong đó cho phép Kiev xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với ông Guterres ở Kiev, Tổng thống Zelensky nêu rõ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là thỏa thuận cần thiết cho thế giới.

Về phần mình, ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận này đối với an ninh lương thực và giá lương thực toàn cầu.

Phát biểu với báo giới, ông Guterres khẳng định, tầm quan trọng của việc tiếp tục triển khai Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen sau ngày 18/3 tới và nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho phép sử dụng cơ sở hạ tầng xuất khẩu qua Biển Đen phù hợp với các mục tiêu của thỏa thuận này.

Tàu MV Brave Commander chở 30 tấn lúa mỳ của Ukraine cập cảng của Djibouti ngày 30/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu MV Brave Commander chở lúa mỳ của Ukraine cập cảng của Djibouti ngày 30/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu.

Thỏa thuận này đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới nếu không tiếp tục được kéo dài. Gần đây, Nga đã đưa ra tín hiệu không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận và yêu cầu gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của nước này.

Đầu tháng 3 này, Nga thông báo sẽ chỉ nhất trí gia hạn thỏa thuận ngũ cốc nếu lợi ích của các nhà sản xuất nông nghiệp nước này được tính đến.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng cho biết xuất khẩu nông sản của Nga vẫn bị cản trở trong khi các lô phân bón miễn phí của nước này, trong đó có lô dành cho châu Phi, cũng bị phong tỏa tại các cảng ở châu Âu. Tuy nhiên, đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã phủ nhận điều này.

Theo TTXVN/Vietnam+
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.