Multimedia Đọc Báo in

Trọng tâm hợp tác kinh tế trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn – Nhật

17:11, 16/03/2023

Hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vốn đã bị đình chỉ dự kiến sẽ được nối lại trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến Nhật Bản trong hai ngày 16-17/3.

Chuyến thăm này diễn ra hơn 1 tuần sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố phương án giải quyết vấn đề đền bù cho các công dân nước này bị ép buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945.

Theo lịch trình, khi tới Tokyo, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ gặp gỡ các quan chức của Hội người Hàn Quốc tại Nhật Bản (Mindan). Sau đó, ông sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. 

Ngày 17/3, Tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp của hai nước và có bài phát biểu tại một trường đại học ở Tokyo.

Một hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Hàn Quốc - Nhật Bản do Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Tokyo vào ngày 17/3.

Các lãnh đạo tập đoàn lớn của Hàn Quốc gồm Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch SK Chey Tae-won, Chủ tịch Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch LG Koo Kwang-mo và Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin, cũng như những người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), xác nhận sẽ tham dự sự kiện này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) và phu nhân lên máy bay trong chuyến thăm Nhật Bản tại căn cứ không quân ở Seongnam, phía nam Seoul, ngày 16/3/2023. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân lên máy bay trong chuyến thăm Nhật Bản tại căn cứ không quân ở Seongnam, phía nam Seoul, ngày 16/3/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Nhật Bản và Hàn Quốc đã đình chỉ các chuyến thăm qua lại lẫn nhau của các nhà lãnh đạo hai nước từ tháng 12/2011.

Lần gần đây nhất một tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản là tháng 6/2019, nhưng là để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka.

Vì vậy, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng thống Yoon Suk-yeol có nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, vốn khá căng thẳng trong nhiều năm qua do các vấn đề lịch sử.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ đánh dấu việc nối lại các chuyến thăm qua lại lẫn nhau của các nhà lãnh đạo hai nước, vốn đã bị đình trệ trong 12 năm qua, đồng thời gọi đây là “dấu mốc quan trọng” hướng tới việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của Nhật Bản, đối tác láng giềng trong chuỗi cung ứng, đã tăng lên trước sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu dựa trên “chia sẻ giá trị.”

Hiệu ứng sức mạnh tổng hợp được mong đợi trong hợp tác giữa các ngành công nghiệp mới như chất bán dẫn, xe điện và nội dung, cũng như trong các lĩnh vực như không gian, lượng tử và sinh học.

Tại một cuộc họp giao ban của Văn phòng Tổng thống ở Yongsan ngày 15/3, Trợ lý cấp cao của tổng thống về các vấn đề kinh tế Choi Sang-mok nhấn mạnh ý nghĩa kinh tế trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Ông cho biết việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản, một đối tác thương mại và đối tác chuỗi cung ứng quan trọng, không còn là sự lựa chọn mà là sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ông Choi Sang-mok đánh giá Nhật Bản là quốc gia then chốt trong cộng đồng an ninh kinh tế như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).

Số liệu phân tích cho thấy Hàn Quốc đã thiệt hại 20.000 tỷ won (15,25 tỷ USD) từ tác động kinh tế kể tính từ năm 2019, khi các hoạt động trao đổi kinh tế với Nhật Bản bị gián đoạn.

Đề cập đến lo ngại Hàn Quốc có nguy cơ quay lại sự phụ thuộc vào Nhật Bản như trước đây trong khi Hàn Quốc đã giành được sự độc lập đáng kể về vật liệu, chi tiết và thiết bị (vật liệu, thiết bị), Trợ lý Choi Sang-mok cho biết so với với thời điểm Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc, môi trường thương mại quốc tế hiện nay đã thay đổi rất nhiều.

Hai bên có điều kiện hợp tác tương hỗ và cùng chia sẻ các lợi ích.

Cụ thể, Trợ lý Choi Sang-mok đề cập đến khả năng mở rộng xuất khẩu nội dung và hàng tiêu dùng sang Nhật Bản thông qua sự lan rộng của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc.

Cùng với đó, ngành công nghiệp bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc có thể tối đa hóa sức mạnh tổng hợp thông qua nghiên cứu chung với khoa học cơ bản của Nhật Bản, giúp làm giảm rủi ro và chi phí.

Về tiến trình đàm phán với Nhật Bản về dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu linh kiện điện tử, chip bán dẫn, Trợ lý Choi Sang-mok cho biết hai nước đang trong quá trình tham vấn để trở lại tình trạng trước thời điểm tháng 7/2019 và nội dung dự thảo sẽ được trình ra Hội nghị thượng đỉnh Hàn – Nhật ngày 16/3 tại Tokyo.

Văn phòng Tổng thống cho biết do cuộc họp này được chuẩn bị trong một khung thời gian eo hẹp, hai nhà lãnh đạo sẽ không đưa ra một tuyên bố chung.

Tuy nhiên, quan chức này cho biết, lần này hai bên có thể thành lập một ủy ban trù bị để thảo luận về các ý tưởng hoặc thỏa thuận nhằm mở ra một tương lai hợp tác mới giữa Hàn Quốc và Nhật Bản."

Cùng việc mời Tổng thống Yoon Suk-yeol thăm Nhật Bản, hiện nay, Tokyo đang cân nhắc mời ông Yoon Suk-yeol tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima vào tháng Năm tới, với tư cách khách mời.

Phía Hàn Quốc đã bày tỏ sẵn sàng bố trí để Tổng thống Yoon Suk-yeol tham dự hội nghị thượng đỉnh này.

Nếu Tổng thống Yoon Suk-yeol tham dự, Thủ tướng Kishida có thể sẽ tìm cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật - Mỹ - Hàn với sự tham gia của cả Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tăng cường sự phối hợp giữa ba nước.

Theo TTXVN/Vietnam+
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.