Multimedia Đọc Báo in

Trung Đông thành “đấu trường mới” cho cạnh tranh Mỹ - Trung

09:48, 16/03/2023

Việc Trung Quốc làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia đã đánh dấu một thành công ngoại giao bất ngờ và cho thấy trật tự quyền lực mới đang hình thành ở Trung Đông.

Đằng sau thỏa thuận “chuyển mình” của Saudi Arabia và Iran

Quyết định của Saudi Arabia và Iran nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao là một bước chuyển quan trọng với cả hai bên. Mối quan hệ giữa Riyadh và Tehran đã căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua bởi hai nước đều cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo.

Hai quốc gia này thường ủng hộ các bên đối lập nhau trong khu vực. Saudi Arabia trang bị và hỗ trợ lực lượng muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Iran cung cấp cho ông Assad sự hỗ trợ quân sự cần thiết để tiếp tục cầm quyền.

Tại Yemen, Iran và Saudi Arabia đều chiến đấu trong một cuộc xung đột ủy nhiệm suốt 8 năm qua khi Tehran ủng hộ lực lượng Houthi còn liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ủng hộ lực lượng chính phủ.

Tại Iraq, Riyadh và Tehran ủng hộ các chính trị gia đối lập nhau và tìm cách kiểm soát các cơ quan chính phủ. Tehran cũng bị cáo buộc có liên hệ với lực lượng tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia.

Quan hệ ngoại giao giữa Tehran và Riyadh đã tạm dừng sau khi phái đoàn ngoại giao của Saudi Arabia tại Iran bị buộc phải rời đi vào năm 2016 sau việc nước này hành quyết một giáo sĩ dòng Shiite.

Saudi Arabia cũng tập hợp các quốc gia trong khu vực phản đối chính sách đối ngoại mà nước này cho là "bành trướng" của Iran, đồng thời ủng hộ các lực lượng vũ trang phi nhà nước như Hezbollah ở Lebanon và nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân của lực lượng này.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị (giữa) cùng với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (phải) và Cố vấn An ninh Quốc gia Saudi Arabia Mohammed Al Aiban tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị (giữa) cùng với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (phải) và Cố vấn An ninh Quốc gia Saudi Arabia Mohammed Al Aiban tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Động thái khôi phục quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran dường như phản ánh việc mỗi quốc gia đang đánh giá lại chiến lược và lập trường của mình. Theo đó, cả hai nước đều nhận ra rằng không có bên nào đủ mạnh để giành ưu thế trong cuộc đối đầu trực tiếp cũng như hiểu rõ, cái giá của cạnh tranh đang trở nên quá cao.

Với Saudi Arabia, việc bình thường hóa quan hệ sẽ dẫn đến cam kết từ phía Iran về việc dừng tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của nước này và hạn chế sự ủng hộ với lực lượng Houthi.

Điều này cũng củng cố vai trò của Saudi Arabia như một nhân tố quan trọng ở Trung Đông dưới thời Thái tử Mohammed bin Salman. Với Thái tử Mohammed bin Salman, thỏa thuận với Iran sẽ giúp ông tăng cường ảnh hưởng và vị thế trong quan hệ với Mỹ.

Trong khi đó, Iran hy vọng, mối quan hệ tốt đẹp hơn với Saudi Arabia sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ đầu tư và mang đến một số lợi ích. Thỏa thuận trên cũng giúp Tehran "dễ thở" hơn về mặt ngoại giao và kinh tế.

Thực tế là giữa bối cảnh ngày càng bị cô lập trong khu vực, chính quyền Iran thời gian qua phải bận rộn giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt leo thang, đồng rial sụt giảm, lạm phát tăng cao và tình trạng bất ổn gia tăng.

Ở nước ngoài, lập trường của Iran với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các nước châu Âu duy trì quan điểm cứng rắn với nước này.

Trung Đông thành “đấu trường mới” cho cạnh tranh Mỹ - Trung?

Mỹ đã dành hơn 1 thập kỷ để giảm bớt trách nhiệm an ninh và ngoại giao ở Trung Đông nhằm tập trung nguồn lực vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - khu vực được đánh giá như một đấu trường chính trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, “nước cờ” mới đây của Trung Quốc ở Trung Đông đã làm phức tạp thêm chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.

Trung Quốc được đánh giá là bên duy nhất có thể trở thành trung gian cho thỏa thuận Saudi Arabia - Iran khi duy trì quan hệ tích cực với cả hai nước và được cả hai coi là một bên trung lập.

Dù vậy, không phải ngẫu nhiên Trung Quốc có được vị trí đó. Từ tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới Trung Đông, tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc với các nhà lãnh đạo thế giới Arab ở Riyadh.

Tại đây, ông cân nhắc đến sáng kiến tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nước vùng Vịnh và Iran. Tháng trước, ông Tập Cận Bình cũng đã tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Bắc Kinh, đánh dấu chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Iran tới đây trong vòng 20 năm.

Theo nhà quan sát Dave Sharma nhận định trên Nikkei Asia, là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Đông, Trung Quốc đang cố gắng biến sức mạnh kinh tế thành ảnh hưởng chính trị và ngoại giao.

Với Bắc Kinh, thỏa thuận trên vừa có ý nghĩa về mặt danh tiếng khi cho thấy rằng Mỹ không phải là nước duy nhất tham gia vào quá trình kiến tạo hòa bình toàn cầu, vừa phục vụ lợi ích quốc gia trực tiếp bởi thỏa thuận này góp phần làm giảm rủi ro xung đột trong một khu vực Trung Quốc phụ thuộc lớn về năng lượng.

Với Trung Đông, Trung Quốc là một nhân tố được chào đón. Không giống như Mỹ và châu Âu, Bắc Kinh không nêu ra các mối lo ngại về nhân quyền hay phản đối các vấn đề trong nước để thúc đẩy quan hệ.

Thỏa thuận Saudi Arabia - Iran cũng được đánh giá là bước lùi đáng kể cho Israel khi Riyadh vốn là tiếng nói mạnh mẽ nhất ủng hộ nỗ lực kiềm chế Iran. Trong khi Saudi Arabia hàn gắn quan hệ với Iran thì các nước vùng Vịnh khác chắc chắn sẽ có bước đi tương tự. Liên minh khu vực nhằm cô lập Iran - một ưu tiên quan trọng hơn bất kỳ điều gì với Israel, đang rạn nứt.

Kể từ cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956, Mỹ là một nhân tố không thể thay thế ở Trung Đông. Nhưng với việc Mỹ đứng bên lề thỏa thuận quan trọng trên, trật tự quyền lực đang dịch chuyển.

Mỹ xoay trục sang châu Á để tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và để khu vực Trung Đông tự giải quyết các vấn đề của mình. Song với việc Trung Quốc lựa chọn bước vào khoảng trống mà Mỹ để lại, Trung Đông đã trở thành một phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo VOV
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.