Multimedia Đọc Báo in

Trung Đông thay châu Âu trở thành miền đất hứa của chương trình “thị thực vàng”

11:08, 06/04/2023

Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang xem xét từ bỏ chương trình “thị thực vàng” do lo ngại về an ninh và tham nhũng thì Trung Đông lại rục rịch thâm nhập vào lĩnh vực này.

Xu hướng ở Trung Đông

"Thị thực vàng" còn gọi là chương trình RBI, tạo điều kiện cấp quyền cư trú cho các nhà đầu tư giàu có người nước ngoài. Bên cạnh đó, còn có chương trình “hộ chiếu vàng” cấp quyền công dân thông qua đầu tư nhưng thường đòi hỏi nguồn vốn lớn cùng nhiều thủ tục và thời gian.

Ở Trung Đông, các quốc gia cung cấp “thị thực vàng” hoặc “hộ chiếu vàng” muốn khuyến khích đầu tư và tiền gửi ngoại tệ. Trong khi đó, những cá nhân tham gia hai chương trình này sẽ được hưởng quyền chọn lối sống tốt hơn, hộ chiếu thứ hai mang lại nhiều khả năng đi lại hơn và cơ hội thoát khỏi các vấn đề chính trị, bất ổn kinh tế hoặc xung đột ở quê nhà.

Người nước ngoài có thể được cấp quốc tịch nếu đầu tư 300.000 USD tại Ai Cập, ví dụ như mua bất động sản. Ảnh: DW
Người nước ngoài có thể được cấp quốc tịch nếu đầu tư 300.000 USD tại Ai Cập, ví dụ như mua bất động sản. Ảnh: DW

Canada, Mỹ và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đều triển khai những chương trình này. Nhưng chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, ý tưởng này mới trở nên phổ biến ở Trung Đông.

Đầu tháng 3, Ai Cập đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người nước ngoài trở thành công dân Ai Cập thông qua đầu tư. Ai Cập áp dụng chương trình cấp quốc tịch theo hình thức đầu tư (CBI) từ năm 2020. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế cũng như nhu cầu gia tăng về đầu tư quốc tế và ngoại tệ nên Ai Cập đã nới lỏng các điều khoản trong năm nay.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã triển khai chương trình “thị thực vàng” từ năm 2019 nhưng đã sửa đổi vào năm 2022 để khiến nó dễ tiếp cận hơn và rẻ hơn.

Kể từ năm 2018, Jordan đã có chương trình CBI và vào năm 2020 Qatar bắt đầu cung cấp quyền cư trú tạm thời lâu hơn để đổi lấy việc sở hữu bất động sản. Bahrain áp dụng chương trình "thị thực cư trú vàng" từ năm 2022 và ra mắt "giấy phép vàng" cho các khoản đầu tư quy mô lớn trong tháng này. Saudi Arabia cũng công bố chương trình "cư trú cao cấp" trong năm nay.

Châu Âu dần từ bỏ “thị thực vàng”

Giáo sư Jelena Dzankic tại Viện Đại học châu Âu (Italy) nhận định: “Xu hướng tại Trung Đông trái ngược với những gì chúng ta đang chứng kiến ở châu Âu”. Bà Dzankic đang đề cập đến thực tế rằng “hộ chiếu vàng” và các chương trình cư trú đang dần bị loại bỏ tại Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Cyprus.

Bà lý giải: “Châu Âu tiến tới việc bãi bỏ quyền công dân và cư trú theo hình thức đầu tư, do bê bối và rủi ro có liên quan đến chương trình này”. Những người chỉ trích thường mô tả những chương trình này tương đương với việc các quốc gia bán quyền công dân cho người trả giá cao nhất. Họ cho rằng nó kéo theo vấn đề an ninh tiềm ẩn, giá bất động sản tăng cao và nguy cơ tham nhũng, rửa tiền.

Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: DW
Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: DW

Ý tưởng hiện đại về đầu tư đổi lấy quyền công dân bắt nguồn từ những năm 1980. Theo Hội đồng Di cư Đầu tư có trụ sở tại Thụy Sĩ, chương trình CBI đầu tiên được áp dụng ở Tonga vào năm 1982, tiếp theo là St. Kitts và Nevis vào năm 1984. Các quốc đảo nhỏ đang gặp khó khăn có thể gây quỹ bằng cách cung cấp quyền công dân hoặc nơi cư trú để đổi lấy đầu tư.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia đưa ra một số lộ trình để các nhà đầu tư có được quyền công dân. Các khoản đầu tư bắt buộc dao động từ khoảng 100.000 USD ở Vùng Caribe đến tối đa 3,25 triệu USD ở châu Âu. Một số quốc gia yêu cầu các nhà đầu tư phải cư trú ở nước sở tại trong một số ngày nhất định hoặc thành lập doanh nghiệp, trong khi một số nước khác thậm chí không cần họ đến.

Các chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể đoán định được liệu "thị thực vàng" ở Trung Đông có thành công hơn những chương trình trước đó hay không. Ông David Regueiro, đại diện của Hội đồng Di cư Đầu tư nói với DW rằng nhiều chương trình mới sẽ tiếp tục xuất hiện ở Trung Đông. Tuy nhiên, ông dự đoán: "Một xu hướng khác mà chúng ta có thể chứng kiến là gia tăng mức độ giám sát áp dụng cho các chương trình này".

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc