Các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia hòa giải xung đột Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đều đồng ý tiếp nhận một phái đoàn hòa bình của châu Phi.
Kênh RT dẫn lời Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết Nga và Ukraine đã đồng ý tổ chức một phái bộ hòa bình gồm các lãnh đạo châu Phi đang nỗ lực giải quyết xung đột giữa hai quốc gia này.
Trong cuộc họp báo ngày 16/5, ông Ramaphosa tiết lộ ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky về đề xuất này.
“Cuộc thảo luận của tôi với hai nhà lãnh đạo đã chứng tỏ rằng cả hai đều sẵn sàng tiếp đón các nhà lãnh đạo châu Phi và thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột này”, ông Ramaphosa nói. Theo ông, Moskva và Kiev có đạt được hòa bình hay không sẽ phụ thuộc vào các cuộc thảo luận được tổ chức sắp tới.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: Getty Images |
Nam Phi - thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - nằm trong số các quốc gia đã từ chối tham gia các vòng trừng phạt Nga do Mỹ lãnh đạo, liên quan đến việc phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tổng thống Ramaphosa lưu ý rằng Nam Phi có truyền thống trung lập bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh.
“Xuyên suốt thời gian qua, chúng tôi đã khẳng định chắc chắn về điểm này: Nam Phi đã không và sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu”, Tổng thống Nam Phi nói.
Trong thông báo hôm 16/5, ông Cyril Ramaphosa cho biết các nhà lãnh đạo của Senegal, Uganda và Ai Cập đã đồng ý tham gia làm trung gian hòa giải cho xung đột ở Ukraine. Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Mỹ và Anh đều đã được thông báo về ý tưởng này.
Một số quốc gia khác như Trung Quốc, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị hỗ trợ làm trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev. Tuy nhiên, Ukraine và những người ủng hộ phương Tây luôn nhấn mạnh rằng kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky là con đường khả thi duy nhất để giải quyết xung đột.
Chính phủ Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm rộng lớn hơn do Mỹ và các đồng minh tiến hành chống lại Moskva.
Moskva đã cáo buộc Washington và London phá hỏng các cuộc đàm phán hòa bình do Ankara làm trung gian với Kiev diễn ra trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột và dường như sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc